Bảo đảm tính khả thi về phương thức đầu tư cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành
Đầu tư - Ngày đăng : 14:45, 26/05/2024
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT). Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho Dự án, tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, hiện sức hút đầu tư PPP rất kém, như chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật; thiếu các biện pháp chia sẻ rủi ro; khó tiếp cận tín dụng và giải quyết tranh chấp; vốn tín dụng thắt chặt hơn. Vậy dự án thành phần của cao tốc này có vướng vào các khó khăn này không? Đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt; trong Dự thảo Nghị quyết, Quốc hội cần nhấn mạnh điều này, tránh chuyển các dự án thành phần sang đầu tư công.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP. Cần Thơ) cũng đề nghị: “Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần có phương án để thực hiện bằng được phương án tài chính này, tránh trường hợp phải quay lại đầu tư công như một số dự án đã xảy ra”.
Trao đổi với các đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, khẳng định “không lo lắng trong việc thu hút nhà đầu tư”. Bởi đây là dự án có thời gian thu phí không quá dài, trong 18 năm, đã bảo đảm cả lãi suất ngân hàng và tỷ suất đầu tư. Thời gian này tương đối tương đồng với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành và sắp thu phí.
Ngoài ra, việc dự án được áp dụng cơ chế về chia sẻ doanh thu cũng là điều kiện thuận lợi hơn để thu hút các nhà đầu tư tham gia.
“Trước đây, khi không có phần vốn nhà nước tham gia, thời gian thu phí của dự án BOT giao thông rất dài, từ 20- 30 năm. Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thời gian thu phí 18 năm - đây là là thời gian nhà đầu tư rất yêu thích, nhất là nhà đầu tư BOT. Tôi tin sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hơn nữa, với dự án này đã có doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Về kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ nhằm bảo đảm dự án được triển khai liên tục. Bởi thông thường, nếu thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước thì việc bố trí vốn giữa 2 giai đoạn sẽ mất từ 6 - 8 tháng, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hoàn thành dự án.
Ngoài ra, nhiều đại biểu lưu ý, theo sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án thì số hộ dân bị ảnh hưởng khá lớn, với khoảng hơn 1.229 hộ. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo 2 tỉnh liên quan đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ tái định cư hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng, để các hộ dân sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất, không chỉ giải quyết về chỗ ở mà còn phải giải quyết về việc làm cho người dân.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, Bình Phước và Đắk Nông là hai địa phương còn nhiều khó khăn, hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do vậy, việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án như dự kiến sẽ rất khó khăn, do đó Chính phủ phải có giải pháp cụ thể hơn.