Vì sao chính sách hỗ trợ lãi suất 2% không đi vào cuộc sống?
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:52, 26/05/2024
Giải ngân chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển, một trong những chính sách được đưa ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là: Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng nhà nước chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. “Chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” cho thấy, việc thực hiện chính sách này không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43. “Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các NHTM đạt tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo Quốc hội.
Bình luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
“Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra” - đại biểu Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Điều kiện cho vay khó khăn là rào cản lớn nhất
Lý giải nguyên nhân, dẫn đến chính sách này không đi vào cuộc sống, đại biểu Vũ Tuấn Anh chỉ rõ, bên cạnh nguyên nhân Đoàn giám sát đã nêu, như dư nợ tín dụng đến tháng 12/2021 ở mức 10,4 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và năm 2023 khoảng 14%/năm. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn tới các khoản tín dụng phát sinh thuộc đối tượng của chính sách không lớn.
Qua thực tiễn cho thấy, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định số 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng; hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng.
“Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất”- đại biểu nêu thực tế
Bên cạnh đó, theo đại biểu, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất.
Nhấn mạnh doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của Nhà nước, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp.
Theo khảo sát, có đến 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận các khoản vay theo gói hỗ trợ này. Đa số doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh)
Lý giải thêm, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, cách hiểu về Nghị định số 31 còn tương đối thận trọng, dẫn đến việc triển khai gói hỗ trợ này rất chậm. Cụ thể như, khi xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề gây khó khăn cho việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.
Thêm nữa, về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất quy định "khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi" theo đánh giá nội bộ của NHTM còn chung chung, mang tính chủ quan từ phía thẩm định của ngân hàng.
Rút ra những bài học kinh nghiệm
Trước đó, qua kiểm toán việc triển khai thực hiện chính sách này, Kiểm toán nhà nước chỉ ra, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan do “tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng” hay việc khách hàng gặp khó khăn về chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nghề... thì còn một số nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng NHTM như: Chưa chủ động, tích cực triển khai chính sách (qua số liệu thống kê các NHTM báo cáo NHNN cho thấy, có 13 NHTM không rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo đánh giá chủ quan, dẫn đến không triển khai chính sách một cách hiệu quả).
Bên cạnh đó, một số NHTM rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền lại bằng “0” hoặc một số NHTM tự rà soát số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất lại rất thấp cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế.
Công tác triển khai hỗ trợ lãi suất của một số NHTM còn chậm, chưa hiệu quả như: Ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ chậm; công tác truyền thông chưa được chú trọng, không đẩy mạnh truyền thông sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện...
Giải trình, làm rõ thêm vấn đề này tại Phiên thảo luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn. Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân, chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước.
Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước bày tỏ tâm đắc với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn; nhưng điều quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ cho doannh nghiệp và người dân.