Dự thảo Luật Quản lý thuế không nên quy định những vấn đề kế toán
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 12/11/2018
(BKTO) - Trên cơ sở tiếp thu ý kiến rộng rãi của các ban ngành, các tổ chức nghề nghiệp và nhân dân, qua nhiều lần chỉnh sửa, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung) đã đổi mới hơn và khoa học hơn, thể hiện được tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy vậy, bên cạnh những điểm tích cực, một số quy định của Dự thảo Luật Quản lý thuế (DTLQLT) vẫn còn chồng chéo, không phù hợp với quy định của những bộ luật đã được Quốc hội thông qua trước đó. Ngoài việc xung đột với Luật KTNN, một số quy định của DTLQLT còn xung đột cả với Luật Kế toán.
Luật Quản lý thuế không thể và không nên quy định vềkế toán…
Trước hết, tại điểm 3, Điều 106, DTLQLT có quy định: Đại lý thuế được cung cấp "dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ". Đây là một quy định rất khó chấp nhận. Bởi, xét theo mối quan hệ giữa các luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, dịch vụ kế toán là loại dịch vụ có điều kiện, đã được quy định bằng một chương riêng (Chương IV) tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13. Nếu quy định như trên, DTLQLT sẽ xung đột với các quy định của Luật Kế toán, phá vỡ mối quan hệ giữa các Luật và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Kế toán là một nghề mang tính chuyên nghiệp được pháp luật thừa nhận. Dịch vụ kế toán là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không chỉ ở Việt Nam mà là thông lệ phổ biến từ lâu trên thế giới. Hoạt động kế toán được điều chỉnh và chế tài bởi một hệ thống các văn bản nghề nghiệp (nguyên tắc và chuẩn mực kế toán), đạo đức nghề nghiệp (quy chế, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp) cho tất cả những người làm nghề kế toán, nhằm đảm bảo cung cấp đến các nhà quản lý, các nhà đầu tư một hệ thống thông tin kinh tế tài chính tin cậy, minh bạch, khách quan. Vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật về thuế chỉ nên quy định những điều liên quan đến thuế cũng như những quy định có tính tuân thủ đối với các luật khác, không thể và không nên đưa ra những quy định về kế toán.
Nếu pháp luật về thuế và quản lý thuế quy định những vấn đề kế toán thì sẽ dẫn đến sự không minh bạch, dễ tạo cơ hội cho nhóm lợi ích khi quy định các văn bản pháp luật; trái với chủ trương xây dựng và vận hành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng thời tạo xung đột pháp lý giữa các luật. Kế toán là một trong những căn cứ quan trọng để tính và xác định số thuế phải nộp, đã nộp, cũng như cung cấp các căn cứ để kiểm tra thuế. Do đó, vấn đề này không thể là vừa tạo lập thông tin làm căn cứ tính thuế, lại vừa trực tiếp tính thuế và kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là hai loại hình nghiệp vụ, hai hệ công cụ có tính độc lập nhất định trong hệ thống tài chính.
… vì sẽ tạo ranhững tác động tiêu cực
Tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13, quy định về cung cấp dịch vụ kế toán có rất nhiều điểm khác so với quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ đại lý thuế trong DTLQLT. Cụ thể, đối tượng được dự thi để lấy chứng chỉ kế toán viên và để đăng ký cung cấp dịch vụ kế toán phải là những người được đào tạo về tài chính - kế toán, không bao gồm các luật sư (luật kinh tế), các nhà kinh tế chung chung như quy định của DTLQLT.
Một người muốn hành nghề kế toán phải tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, hoặc chuyên ngành khác nhưng phải được đào tạo về kế toán, kiểm toán, tài chính với dung lượng trên 7% số tín chỉ trong chương trình đào tạo cử nhân. Những người cung cấp dịch vụ kế toán phải có kinh nghiệm thực tế làm kế toán, kiểm toán từ 36 tháng, phải có chứng chỉ kế toán viên sau khi trải qua 4 môn thi: Luật Kinh tế và Luật DN, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Quản lý tài chính và thuế. Nội dung thi kế toán viên phải vừa bao gồm lý thuyết, vừa thực hành nâng cao. Các kế toán viên sau khi có chứng chỉ và được đăng ký hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức hằng năm, tham gia các lớp học, các khóa huấn luyện với 40 giờ/năm, phải chịu sự kiểm soát chất lượng dịch vụ, chất lượng hành nghề của cơ quan quản lý nhà nước (3-5 năm/lần) và chịu sự kiểm soát thường xuyên về đạo đức nghề nghiệp của tổ chức nghề nghiệp.
Trong khi đó, DTLQLT chỉ quy định kinh nghiệm thực tế làm kế toán, kiểm toán là 24 tháng; yêu cầu thi 2 môn, thậm chí đối với thi chứng chỉ đại lý thuế chỉ thi 1 môn (thuế hoặc kế toán); nội dung thi chỉ là trình độ thực hành.
Xét về tác động xã hội, nếu Luật Quản lý thuế quy định người hành nghề đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán (dù chỉ cho DN vừa và nhỏ hay DN siêu nhỏ) thì cũng sẽ tạo nên một tiền lệ xấu, đó là "sai làm mãi thành đúng", làm méo mó nội dung của hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo nên một sự cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế và tác động tiêu cực đến các ngành nghề có liên quan, mà cụ thể là dịch vụ kế toán đã hình thành và được Bộ Tài chính tạo lập, phát triển hơn 10 năm qua.
Trên thực tế, pháp luật cũng không cấm các công ty dịch vụ đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, đại lý thuế chỉ được cung cấp khi họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện của dịch vụ kế toán quy định tại Luật Kế toán. Tương tự, các công ty dịch vụ kế toán và các kế toán viên muốn cung cấp dịch vụ về thuế phải đáp ứng đầy đủ quy định của Luật Quản lý thuế, phải có chứng chỉ đại lý thuế và phải đăng ký với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.
PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018