Cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực, uy tín cán bộ

Chính trị - Ngày đăng : 20:02, 29/05/2024

(BKTO) - Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định 144) được Bộ Chính trị ban hành đúng thời điểm, phù hợp với tình hình mới, là cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực, uy tín của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đồng thời, Quy định 144 cũng là tấm gương để các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên tự soi, tự sửa, không ngừng hoàn thiện, tu dưỡng đạo đức, lối sống.
quy-dinh-144.jpeg
Quang cảnh Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục mở đường cho “văn hóa từ chức”

Nội dung chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên nêu trong Quy định 144 được gói gọn trong 5 điều, đó là: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Ðoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Ðây là những phẩm chất cơ bản nhất, nếu thiếu một phẩm chất nào đó thì không thể làm cán bộ, làm “công bộc” của dân. Những nội dung đó không phải mới, nhưng rất cấp thiết trước tình hình hiện nay.

Phân tích Quy định 144, nhiều ý kiến nhận xét, nội dung quy định ngắn gọn, có nhiều điểm mới; Quy định cũng chứa đựng nhiều nội hàm, tiêu chí mới, thể hiện toàn diện phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Thời gian tới, công tác chấn chỉnh và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới sẽ có nhiều bước tiến mới, có cơ sở vững chắc hơn để tiến hành “thanh lọc” những cán bộ, đảng viên không hội tụ đủ chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhất là không đủ khả năng, uy tín.

Một trong những nội dung rất mới, đó là “không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi”. Quy định 144 bổ sung quy định “người khác”, đây là một nội dung mới và rất cần thiết, bao trùm đối tượng so với các quy định trước. Điều này phản ánh đúng thực tế vừa qua, một số cán bộ bị phát hiện vi phạm một phần do để “người khác” lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Qua Quy định 144 cho thấy, trong bất cứ bối cảnh, hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên đều phải tu dưỡng, rèn luyện, nếu không thì sẽ rơi vào lạc hậu hoặc sẽ suy thoái.

Thấy rõ vai trò đặc biệt của đạo đức cách mạng, Ðảng ta luôn chú trọng xây dựng, chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về vấn đề này; đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Mới qua nửa nhiệm kỳ Ðại hội XIII của Ðảng đã có hơn 100 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao bị thi hành kỷ luật, một số trường hợp phải xử lý hình sự; nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thấy không còn đủ uy tín để tiếp tục công tác phải làm đơn xin từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm của cán bộ được các cơ quan chức năng chỉ ra là: Làm trái nguyên tắc của Ðảng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương...

Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây, trong các Đảng văn chưa có quy định “văn hóa từ chức”, nhưng đến Quy định 144 đã có quy định rõ về “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Như vậy, cùng với Quy định số 41-QĐ/TW, Quy định 144 tiếp tục mở đường cho “văn hóa từ chức” trong Đảng và hệ thống chính trị.

Tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên soi chiếu hằng ngày

Quy định 144 là cụ thể hóa nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu. Cụ thể, Đại hội XIII của Đảng xác định: Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là "nền tảng", là "cái gốc" cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Khái niệm xây dựng Đảng về đạo đức có thể nói rất mới. Trước đó tại mấy Hội nghị T.Ư của nhiệm kỳ trước cũng đề cập việc xây dựng Đảng về đạo đức, nhưng đến Đại hội XIII Đảng đã cụ thể hóa.

Theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, trước khi có Quy định 144, T.Ư đã có Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư… Quy định 144 như tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền soi chiếu hằng ngày để tự sửa, tự rèn luyện mình, đừng quên mục đích, tôn chỉ mà Đảng ta đã nêu ra từ đầu là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, “vì nhân dân phục vụ”.

Đặc biệt, Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về văn hóa từ chức. Cán bộ, đảng viên đối chiếu theo quy định của Đảng, soi chiếu bản thân, nếu xét thấy mình đã mắc vi phạm, bị kỷ luật, năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì nên tự giác, tự nguyện rời khỏi vị trí, đừng để các cấp có thẩm quyền phải xem xét miễn nhiệm.

Trên thực tế, thời gian qua, đã có một số cán bộ giữ các chức vụ quan trọng xin từ chức. Phần lớn số cán bộ này từ chức là do có vi phạm, khuyết điểm. Dù việc họ rời vị trí là thể hiện sự chủ động, tuy nhiên việc từ chức sau khi vi phạm bị phát hiện, nhận hình thức kỷ luật thì tính chất, ý nghĩa cũng khác. Vì vậy, văn hóa từ chức cần được xây dựng để khi cán bộ đã mắc vi phạm rồi dù chưa bị phát hiện, nhưng vì tự trọng và danh dự của mình mà tự nguyện từ chức.

Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, để Quy định 144 đi vào thực tiễn cuộc sống, trước hết cán bộ, đảng viên nói chung, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp phải gương mẫu đi đầu, nghiêm túc thực hiện các chuẩn mực đạo đức. Cấp ủy chi bộ phải xây dựng kế hoạch để đưa nội dung này vào các kỳ sinh hoạt chi bộ; vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, sớm phát hiện những biểu hiện có dấu hiệu vi phạm, không để “cái sảy nảy cái ung”, đặc biệt là trong công tác bổ nhiệm, đề bạt và chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa tới./.

LÊ HÒA