Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập: Cần cẩn trọng, kỹ lưỡng
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:39, 30/05/2024
Kết quả không đồng đều giữa các dự án
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, Quốc hội đã cho phép thực hiện tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với một số dự án quan trọng quốc gia. Qua ghi nhận sơ bộ, việc thực hiện các dự án GPMB được tách riêng có kết quả không đồng đều, kể cả giữa các dự án GPMB được tách riêng từ các dự án tổng thể khác nhau hoặc trong cùng 1 dự án tổng thể. Đơn cử, đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án tách GPMB - tiến độ thực hiện không đáp ứng yêu cầu, cần kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân và điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Điểm qua một số dự án có kết quả triển khai tốt, như: Dự án thành phần 1.1 thuộc Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh..., nhưng Bộ KHĐT cũng chỉ rõ, dự án GPMB trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (đối với dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội), dự án GPMB trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (đối với Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh) có kết quả không như kỳ vọng.
Đối với dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi của tỉnh Khánh Hòa được Quốc hội cho phép thí điểm tại Nghị quyết số 55/2022/QH15, báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, chính sách này đang được thí điểm triển khai đối với 7 dự án, nhưng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc đối với loại dự án GPMB không xây dựng khu tái định cư do chưa có quy định cụ thể về nội dung hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án GPMB; chưa có quy định về tiêu chuẩn, định mức, nội dung và phương pháp xác định chi phí để xác định tổng mức đầu tư dự án GPMB được tách riêng.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Bộ KHĐT nhận định, việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công chỉ là một trong các hình thức để triển khai công tác GPMB, không phải là vấn đề dẫn đến vướng mắc trong việc thực hiện công tác GPMB trong dự án đầu tư công. Để phát huy hiệu quả của việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập trong quá trình triển khai dự án đầu tư công cần căn cứ vào đặc điểm, tính chất, yêu cầu, khả năng thực hiện của bộ máy quản lý và triển khai đối với từng dự án cụ thể. Việc lựa chọn dự án thực hiện tách công tác GPMB thành dự án độc lập nếu không được triển khai cẩn trọng, kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể tính khả thi có thể không đem lại lợi ích mà còn gây phát sinh thủ tục hành chính, tốn thêm thời gian.
Kết quả của việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập và việc thực hiện công tác GPMB nói chung vẫn cần thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, nếu không giải quyết được các vấn đề cốt lõi trong chính việc thực hiện công tác GPMB và có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì vẫn có thể gặp vướng mắc tại chính dự án GPMB được tách riêng. Việc tháo gỡ các vướng mắc này cần được thực hiện thông qua các giải pháp mang tính căn cơ, cả về hoàn thiện quy định pháp luật - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Đề xuất 2 hình thức triển khai
Căn cứ theo Luật Đất đai (năm 2013, năm 2024) và Luật Đầu tư công, Bộ KHĐT đề xuất, công tác GPMB đối với dự án đầu tư công có thể triển khai theo 2 hình thức. Một là triển khai trong dự án tổng thể, theo đó cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt 1 quyết định đầu tư cho dự án tổng thể, công tác GPMB được triển khai như 1 bước trong quá trình thực hiện dự án tổng thể sau khi đã có quyết định đầu tư dự án tổng thể. Hai là tách thành dự án độc lập tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể, được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư riêng và triển khai song song với quá trình thực hiện dự án còn lại.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 73/TB-VPCP ngày 29/02/2024, Bộ KHĐT đã có văn bản số 1463/BKHĐT-TH ngày 29/02/2024 yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương đề xuất dự án thí điểm có quy mô dự án nhóm B, nhóm C áp dụng chính sách tách công tác GPMB thành dự án độc lập. Đến ngày 03/4/2024, Bộ KHĐT đã nhận được văn bản của 13 Bộ, cơ quan Trung ương và 48 địa phương. Theo đó, có 2 Bộ và 14 địa phương đề xuất 44 dự án đề nghị áp dụng thí điểm, trong đó có 9 dự án chưa có chủ trương đầu tư được phê duyệt. Tổng mức đầu tư của các dự án là 22.181,632 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) là 21.876,632 tỷ đồng. Số vốn bố trí (hoặc dự kiến bố trí) cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB của các dự án là 9.582,554 tỷ đồng.
Thông tin gửi về Bộ KHĐT, các Bộ, địa phương có dự án đề xuất đều cam kết có kế hoạch triển khai cụ thể, chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư và dự án GPMB độc lập được tách riêng, bảo đảm nguồn vốn để thực hiện trong thời gian thí điểm. Riêng TP. Hải Phòng đề nghị cho phép không điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 4 dự án nếu được cho phép tách công tác GPMB thành dự án độc lập. Tuy nhiên, Bộ KHĐT không đồng tình do văn bản kiến nghị của UBND TP. Hải Phòng chưa có ý kiến của HĐND thành phố - cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C do địa phương quản lý.
Đáng chú ý hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao các Bộ, ngành, địa phương “chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn, đề xuất danh mục dự án đảm bảo kế hoạch đầu tư công trung hạn” nên Bộ KHĐT đề xuất chỉ áp dụng chính sách thí điểm này đối với các dự án do các Bộ, địa phương đề xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, các Bộ, địa phương phải thực hiện các trình tự, thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp được Quốc hội cho phép thí điểm. Vì vậy, dựa vào các nguyên tắc, tiêu chí này, Bộ KHĐT chỉ đề xuất thí điểm đối với 30 dự án của 2 Bộ và 12 địa phương.
Kết quả của việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập và việc thực hiện công tác GPMB nói chung vẫn cần thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, nếu không giải quyết được các vấn đề cốt lõi trong chính việc thực hiện công tác GPMB và có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì vẫn có thể gặp vướng mắc tại chính dự án GPMB được tách riêng. Việc tháo gỡ các vướng mắc này cần được thực hiện thông qua các giải pháp mang tính căn cơ, cả về hoàn thiện quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, dù lựa chọn hình thức nào để triển khai thì các trình tự, thủ tục GPMB, thu hồi đất vẫn cần thực hiện theo quy định của pháp luật về Đất đai. Bởi Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 55/2022/QH15 chỉ điều chỉnh đối với việc tách hoặc không tách GPMB thành dự án độc lập, về bản chất là tạo căn cứ pháp lý để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án lựa chọn áp dụng hình thức triển khai công tác GPMB phù hợp với tính chất, đặc điểm của dự án nhằm đẩy nhanh công tác GPMB, sớm có mặt bằng sạch để triển khai dự án./.