Cần những giải pháp căn cơ hơn trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
Kinh tế - Ngày đăng : 16:41, 30/05/2024
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Báo cáo của Đoàn giám sát, cũng như đa số ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 là phù hợp với thực tế; hầu hết các chính sách được ban hành là kịp thời, hợp lòng dân. Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đánh giá, Nghị quyết số 43 đã thể hiện rất rõ tinh thần "ứng vạn biến" của Quốc hội. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 một cách khoa học, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả đã tạo động lực đáng kể cho quá trình phục hồi kinh tế.
Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành, đặc biệt tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Quan trọng hơn, như đánh giá của đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội): “Thành công rất lớn của chính sách hỗ trợ là đã không gây ra những hậu quả về lạm phát, thâm hụt tài khóa và tăng nợ công như nhiều quốc gia trên thế giới phải gánh chịu”.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn không ít hạn chế khi một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; tiến độ giải ngân các dự án chậm…
Những vấn đề như quy trình ban hành chính sách trong giai đoạn đặc biệt, có tính đặc thù thì việc đánh giá tác động chính sách, sự tương thích nguồn lực đảm bảo, việc điều chỉnh chuyển nguồn, chuyển công năng sử dụng khi không còn phù hợp cần được Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rút kinh nghiệm trong xây dựng các chính sách, quyết sách, từ đó có tổng kết để luật hóa một số nội dung, nhất là các quy định liên quan khi áp dụng cơ chế chính sách đặc thù có hiệu quả tốt.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định)
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu rõ, tại Nghị quyết số 110/2023/QH15, Quốc hội cho phép thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình được thực hiện đến hết ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều dự án, dự kiến không đảm bảo thời gian thực hiện, giải ngân theo quy định, có những công trình đến quý II/2024 mới được khởi công. Do đó, đại biểu đề nghị cần khẩn trương đánh giá tình hình, khả năng thực hiện các dự án này trong năm 2024, khả năng cân đối vốn thực hiện trong các năm tiếp theo để hoàn thành dự án. Trường hợp không cân đối được nguồn vốn để thực hiện dự án, đề nghị dừng ngay việc khởi công thực hiện để tránh lãng phí khi dự án triển khai dở dang. “Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn Chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng hoàn thành” - đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị.
Nhìn nhận những kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 là rất đáng trân trọng song còn “chưa trọn vẹn” đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP. Hà Nội) lưu ý: “Trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây là bài toán cần xem xét thận trọng”. Nhấn mạnh điều này, song đại biểu Mai đề nghị, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, với những hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần phải có những giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 43. Theo đại biểu, phải khắc phục có hiệu quả những bất cập trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Đây là nguyên nhân chính của việc giải ngân thấp. Ngoài công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập thì cần phải làm rõ các danh mục đầu tư chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới công tác phân bổ vốn, tiến độ thi công và giải ngân của các dự án...
Nâng cao năng lực về phản ứng, ban hành chính sách
Cùng với những giải pháp để tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách còn dang dở, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, qua kết quả giám sát lần này cũng giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm về đề xuất, ban hành và điều hành thực hiện chính sách trong những bối cảnh đặc biệt, đặc thù.
Như ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đó là bài học về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện. "Đây cũng là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nhất của Nghị quyết trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra". Nghị quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay. Nhưng rõ ràng, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, thì đến nay, một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách. Bên cạnh đó là bài học về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bởi thực tế cho thấy, có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống. Điều này đặt ra vấn đề, việc xây dựng chính sách rất cần có trọng tâm, trọng điểm và phải khả thi.
Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) thì cho rằng, bài học cần rút ra là phải "chọn thời điểm". Bởi, “chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm. Một chính sách có thể đúng vào tháng 1, nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát tăng trưởng đã khác. Do đó, nếu trong tương lai chúng ta có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa ra chính sách vào cuộc sống” - đại biểu nói.
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) đề nghị, Quốc hội đánh giá đầy đủ, khoa học, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học về quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 43, dư địa tài khóa, tiền tệ hiện nay. Trên cơ sở đó, nghiên cứu khả năng xây dựng chương trình phục hồi kinh tế mới cho giai đoạn tiếp theo.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những kết quả về tổng thể đạt được yêu cầu, nhưng kết quả lớn hơn chính là bài học kinh nghiệm quý báu để khi gặp phải tình huống tương tự, bất kể ở chừng mực nào thì phản ứng chính sách sẽ phải nhanh, cách tiếp cận xây dựng chính sách phải hiệu quả, đi vào cuộc sống./.