Nhặt “sạn” qua kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 08:36, 31/05/2024
Xác định tầm quan trọng của các chương trình MTQG (gọi chung là chương trình), năm 2023, KTNN tiếp tục chú trọng kiểm toán đối với 03 Chương trình MTQG gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM); phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS); giảm nghèo bền vững. Qua đó, KTNN kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, cũng như rào cản về chính sách để kịp thời kiến nghị khắc phục, sửa đổi, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình.
Còn lúng túng trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình
Tại thời điểm kiểm toán (năm 2023), KTNN chỉ rõ: Công tác ban hành văn bản của Chính phủ và một số Bộ (thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025) còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm trình Chính phủ ban hành Văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; chậm trình Chính phủ thông qua báo cáo phân bổ vốn NSTW năm 2022; chưa hoàn thành thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình MTQG theo quy định.
Bộ Tài chính chưa tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn NSTW giai đoạn 5 năm cho từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan chủ quản Chương trình theo quy định; chậm sửa đổi Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chậm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022…
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ dẫn đến một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thống nhất giữa các chương trình.
Đáng chú ý, nhiều địa phương, cơ quan chưa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, kế hoạch thực hiện năm 2021 và năm 2022; chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình theo quy định, như tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Gia Lai (Chương trình MTQG DTTS giai đoạn 2021-2025); TP. Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh, TP. Cần Thơ, TP. HCM, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Bình Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025).
Một số địa phương chưa thành lập kịp thời Ban chỉ đạo Chương trình MTQG hoặc chưa hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng điều phối; chưa ban hành văn bản thực hiện cơ chế đặc thù đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, quy định về nguyên tắc, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương (NSĐP), quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG.
Qua kết quả kiểm toán, KTNN cũng đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách, cũng như hướng dẫn thực hiện dẫn đến nhiều địa phương, cơ quan lúng túng trong triển khai chương trình.
Đơn cử, đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Có ít nhất 01 mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể” tuy nhiên Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tỉnh còn lúng túng khi thực hiện xây dựng các tiêu chí và không đồng nhất về số lượng và nội dung các tiêu chí.
Hiện Bộ tiêu chí xã NTM về y tế (chỉ tiêu 15.4) quy định “tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử lớn hơn 50%”; Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao về y tế: Chỉ tiêu 14.2 quy định “tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) lớn hơn hoặc bằng 90%”; (chỉ tiêu 14.3) quy định “tỷ lệ người dân tham gia sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa lớn hơn 40%”; chỉ tiêu chí 14.4 quy định “tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử lớn hơn 70%”.
Tuy nhiên do điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, nền tảng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa có ứng dụng chính thức về sổ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế đang trong lộ trình xây dựng các quy định cụ thể về hồ sơ sức khỏe cá nhân, sổ sức khỏe điện tử theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tại thời điểm kiểm toán. Do vậy, các địa phương đang vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí trên.
Tương tự, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tại Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính chỉ quy định về định mức chi giáo dục nghề nghiệp cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, là chưa bao quát hết đối tượng được quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình, dẫn đến có đối tượng thuộc diện hỗ trợ nhưng trên địa bàn tỉnh không có huyện nghèo sẽ không thực hiện được, từ đó làm giảm hiệu quả triển khai thực hiện chính sách.
Mặt khác, Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là người có thu nhập thấp để hỗ trợ chính sách, trong khi đối tượng quy định tại điểm a khoản 4 Tiểu dự án 1 - Dự án 4 phần III Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định “người lao động có thu nhập thấp”.
Hàng loạt bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn vốn cho chương trình
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho các chương trình mục tiêu tiêu, qua kết quả kiểm toán của KTNN cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế nhất định.
Đơn cử, trong Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp của Chương trình giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách trung ương (NSTW). Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nội dung chi, mức chi, chi các nội dung đặc thù.... đối với đối tượng sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn NSĐP. Như vậy chưa đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng kinh phí sự nghiệp (gồm NSTW và NSĐP) thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh thực hiện Chương trình, nhất là tại các tỉnh không được phân bổ NSTW thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG DTTS giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Dân tộc đề xuất phân bổ vốn đầu tư trung hạn và năm 2022 cho nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chính sách, bao gồm cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công cho các đối tượng thuộc chính sách. Được biết, số vốn đã phân bổ năm 2022 cho các nội dung trên là 465,24 tỷ đồng.
Cùng với đó, tại nhiều địa phương có tình trạng phân bổ nguồn vốn chưa phù hợp trình tự, thủ tục, chưa chi tiết danh mục dự án, trình phân bổ kế hoạch vốn còn chậm; một số địa phương chưa bố trí hoặc bố trí thiếu vốn đối ứng thực hiện Chương trình; phân bổ, giao dự toán chậm, chưa phân bổ, giao hết số vốn Trung ương hoặc UBND tỉnh giao theo quy định.
Theo KTNN, do các Chương trình MTQG được giao thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, do đó kết quả kiểm toán năm 2023 chưa có đầy đủ thông tin đánh giá tổng hợp tuy nhiên qua đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm cho thấy hầu hết còn chưa đạt, việc giải ngân còn thấp so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, công tác lập kế hoạch hàng năm còn chậm, việc bố trí vốn thực hiện Chương trình chưa kịp thời, ngoài ra còn một số bất cập về chính sách như đã nêu trên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các Chương trình.
Đáng chú ý, còn có tình trạng phân bổ nguồn vốn chưa đúng quy định, phân bổ sai đối tượng. Điển hình như tại tỉnh Hải Dương là 54,4 tỷ đồng; tỉnh Vĩnh Long 7,3 tỷ đồng; tỉnh Bình Phước 12,9 tỷ đồng; tỉnh Tây Ninh 23,8 tỷ đồng; tỉnh Phú Thọ 3,9 tỷ đồng (thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025). Tỉnh Điện Biên phân bổ sai 16,18 tỷ đồng; tỉnh Lạng Sơn: Huyện Lộc Bình 9,47 tỷ đồng, huyện Hữu Lũng 1,5 tỷ đồng, huyện Văn Lãng 3,81 tỷ đồng; Tỉnh Gia Lai 1,85 tỷ đồng (thực hiện Chương trình MTQG DTTS giai đoạn 2021-2025). Tỉnh Bến Tre (các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại) phân bổ sai 4,57 tỷ đồng, tỉnh Lai Châu (huyện Nậm Nhùn) 1,92 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên 7,44 tỷ đồng; tỉnh Sơn La (huyện Sốp Cộp) 0,7 tỷ đồng (thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025)…
Nhiều địa phương cũng chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định; chưa lập danh mục chi tiết các dự án thuộc Chương trình MTQG.
Qua kiểm toán, KTNN cũng cho biết, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình còn hạn chế: Một số đơn vị chưa tuân thủ nghiêm túc việc báo cáo tình hình thực hiện chương trình; chưa lập kế hoạch kiểm tra, giám sát; chưa tổ chức đoàn thực hiện kiểm tra và gửi Báo cáo công tác giám sát việc thực hiện chương trình…
Trên cơ sở các tồn tại trên, KTNN đã kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chương trình để kịp thời xem xét sửa đổi, điều chỉnh những vướng mắc; các cơ quan, địa phương chấn chỉnh đối với công tác quản lý, sử dụng vốn cho các chương trình, từ đó phát huy hiệu quả của các chính sách.