Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh đang rất chậm

Địa phương - Ngày đăng : 19:14, 31/05/2024

(BKTO) -Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh còn rất thấp. Theo mục tiêu đề ra hết quý 2, TP. Hồ Chí Minh phải giải ngân 30% tổng số vốn nhưng đến nay còn chưa đạt chỉ tiêu của quý 1.
dau-tu-cong-hcm.jpg
Thành phố yêu cầu giải quyết các vướng mắc dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh minh họa

Giải ngân vốn đầu tư công rất đáng lo

Chiều 31/5, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và nhiệm vụ, giải pháp cho tháng 6/2024.

Chủ trì phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông, TP. Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu giải ngân 10-12% trong quý I và 30% đến hết quý II, tuy nhiên đến giờ này Thành phố vẫn giải ngân thấp, chỉ chớm đạt chỉ tiêu của quý I.

“Giải ngân của chúng ta rất đáng lo. Trong tháng 4, 5 xác định mỗi tuần phải giải ngân được từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng, nhưng khối lượng thực sự chỉ khoảng 200 - 300 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu. Vì vậy, ông đề nghị phải phân tích nguyên nhân, các dự án đang thi công vướng ở đâu, các dự án mới khởi công gặp vấn đề gì…

"Riêng dự án rạch Xuyên Tâm có thể giải ngân 5.400 tỷ đồng; Bờ bắc kênh Đôi hơn 2.000 tỷ đồng; dự án Vành đai 2 hơn 8.000 tỷ đồng. Do đó, nếu không giải ngân được các sự án này thì tỉ lệ giải ngân của Thành phố sẽ thấp", ông Mãi nói và nhấn mạnh phải tạo được chuyển biến vào tháng 6 này để có khối lượng, thanh toán.

Năm nay, TP. Hồ Chí Minh được giao khoảng 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, UBND Thành phố cùng các chủ đầu tư, sở, ngành, quận, huyện và các nhà thầu tổ chức họp hằng tuần để giải quyết các vướng mắc dự án, thúc đẩy giải ngân.

Trong đó, Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát; khép kín các đoạn của Vành đai 2 dở dang, tăng tốc triển khai Vành đai 3, hoàn thành thử nghiệm tuyến Metro số 1 và tiến tới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2.

Tuy nhiên, theo báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 24/5, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 6.705 tỷ đồng, đạt 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024. Ước tính đến hết tháng 5/2024, giải ngân đầu tư công của Thành phố đạt 10.895 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 9.230,3 tỷ đồng, đạt 13,1% kế hoạch).

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 47,5% dự toán

thu-ngan-sach.jpg
Tổng thu ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh ước thực hiện 229.418 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán - Ảnh minh họa

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tiếp tục đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (5 tháng năm 2022 tăng 3,7%; 5 tháng năm 2023 tăng 1,4%), cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi. Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 229.418 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ các khu vực kinh tế đều tăng, góp phần thu nội địa tăng 25,3%, riêng thu từ dầu thô giảm 14,7% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 8%. Chi ngân sách địa phương ước tăng 2,7%, trong đó chi thường xuyên giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Đến ngày 20-5, TP. Hồ Chí Minh cấp phép 20.245 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 172.954 tỷ đồng, tăng 8,7% về giấy phép và giảm 3,3% về vốn so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh đạt 948,9 triệu USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ.

Doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng, hàng hóa dồi dào, đa dạng. Riêng doanh thu nhóm du lịch lữ hành giảm nhẹ so với tháng trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 219.344 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Một số nhóm có mức tăng cao so với cùng kỳ như nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 19,1%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 31,4%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2024 tăng 0,13% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, chỉ số CPI tăng 3,24% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm bưu chính viễn thông giảm 4,03%; các nhóm còn lại đều tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 7,75%); nhóm giáo dục (tăng 7,48%) do việc điều chỉnh giá học phí năm học 2023-2024; nhóm giao thông tăng 5,25% do giá xăng tăng 7,28% từ tháng 12-2023 đến nay.

Nam Sơn