Sai sót của doanh nghiệp sau kiểm toán: Nếu lặp đi lặp lại mang tính cố ý thì phải quyết liệt xử lý

Chính trị - Ngày đăng : 08:23, 02/06/2024

(BKTO) - Hàng loạt sai sót của các doanh nghiệp (DN) đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra nhưng vẫn lặp đi lặp lại hoặc tiếp tục xảy ra ở những DN khác để lại hệ lụy cho chính DN và nền kinh tế. KTNN cần phải làm gì khi tình trạng này vẫn tiếp diễn? Đồng thời, KTNN có trách nhiệm gì trong việc không phát hiện sai sót liên quan đến các DN, dự án do DN thực hiện như trường hợp của Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn mà cơ quan điều tra chỉ ra trong thời gian qua? Ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên về những vấn đề này.
mr-nam.jpg
Ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VPQH

Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2023 do KTNN thực hiện?

Trước hết, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 của KTNN cho thấy, năm 2022 hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kiểm toán đã có kết quả sản xuất kinh doanh khá tích cực. 11 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đều có lãi, một số đơn vị có lợi nhuận sau thuế với mức khá cao...

Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định trong quản lý tài chính, kế toán; việc thực hiện nghĩa vụ về thuế vẫn có những tồn tại, sai sót lớn. Nhiều đơn vị có sai sót phải điều chỉnh cả về tài sản, vốn, doanh thu, chi phí cũng như việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN 3.486 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ trên 6 tỷ đồng.

Việc tuân thủ các quy định về quản lý tài chính, kế toán vẫn còn có những tồn tại, sai sót liên quan tới hoạt động quản lý, sử dụng tài sản ngắn hạn, dài hạn, nợ phải trả, nguồn vốn dẫn đến phải điều chỉnh các chỉ số, chỉ tiêu trong Báo cáo tài chính.

bctc.jpg
Sau kiểm toán, nhiều DN phải điều chỉnh các chỉ số, chỉ tiêu trong Báo cáo tài chính. Ảnh minh họa

Các đơn vị do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý doanh thu, chi phí gắn với các yếu tố như nguyên, nhiên vật liệu, tiền lương, chi phí khác nên đã phải điều chỉnh, xử lý; chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về kê khai giá, về quản lý vật tư, vật liệu, về khai thác, sử dụng nguồn lực tài nguyên khoáng sản, đất đai, xác định định mức nên phải xử lý, điều chỉnh thông tin tài chính, báo cáo tài chính. Trong quản trị hiệu quả nguồn lực công cũng còn những tồn tại, sai sót được phát hiện qua kiểm toán và được kiến nghị rất rõ ràng.

Kết quả kiểm toán cho thấy những điều rất đáng băn khoăn về việc tuân thủ pháp luật quản lý tài chính, kế toán; cũng như tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công mà Nhà nước đã giao hoặc đầu tư cho DN quản lý, khai thác phục vụ sản xuất kinh doanh. Đó là, những tồn tại, hạn chế diễn ra vẫn còn mang tính chất thường xuyên, liên tục, lặp đi lặp lại nhưng chưa được chấn chỉnh khắc phục triệt để; những tồn tại, sai sót, phải điều chỉnh số liệu và kiến nghị phải thu nộp ngân sách với số tiền rất lớn cho thấy cần đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác tổ chức quản lý cũng như chấn chỉnh việc chấp hành quy định về quản lý tài chính, tài sản, NSNN tại các DN, tập đoàn kinh tế nhà nước.

Như ông thấy, nhiều sai sót đã được KTNN chỉ ra vẫn lặp lại tại DN, hoặc tiếp tục xảy ra ở những DN khác. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ và hệ lụy gì cho DN và nền kinh tế, thưa ông?

Chúng ta có thể thấy, các DN có sai sót trong quản lý, điều hành, trong chấp hành quy định sẽ tác hại lớn đến công tác quản lý nhà nước, gây thiệt hại cho NSNN. Như đã nói ở trên, trong năm 2023, riêng qua kiểm toán các DN, KTNN đã kiến nghị tăng thu đến hơn 3.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các hành vi vi phạm còn tác động đến môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; tạo ra những khiếm khuyết trong mục tiêu quản lý mà Nhà nước đặt ra. Những sai sót của DN còn có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ví dụ, báo cáo tài chính không đảm bảo tính trung thực, khách quan thì các đối tác có quan hệ kinh tế với DN như ngân hàng cho vay vốn hoặc các khách hàng ký kết hợp đồng cung cấp các yếu tố đầu vào, tiêu thụ các yếu tố đầu ra có thể bị thiệt hại do nhận định sai về khả năng, năng lực của doanh nghiệp; rồi còn thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác, cũng như đến mục tiêu quản lý xã hội của Nhà nước.

Hệ luỵ này còn có thể tổn hại đến chính các DN, bởi khi đó, các DN luôn luôn đứng trước những rủi ro về pháp lý và nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý, xử phạt; trong trường hợp có vi phạm trách nhiệm hình sự thì mất cả cán bộ. Tình huống đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN. Thậm chí khi DN có sai phạm lớn phải giải thể, phá sản sẽ ảnh hưởng đến những người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến các khách hàng, ngân hàng và các bên có liên quan...

dnnn(1).jpg
Nếu DN có sai sót trong quản lý, điều hành sẽ gây tổn hại cho chính DN. Ảnh minh họa

Do đó, đối với sai phạm lặp đi lặp lại tại DN, cần phải xem xét, đánh giá nguyên nhân liệu có phải do cơ chế, chính sách chưa sát, không khả thi, do thực tiễn khách quan đòi hỏi khiến DN không thể không sai? Trường hợp do cơ chế, chính sách chưa sát thực thì cần phải kiến nghị để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi các giải pháp quản lý để giúp DN có thể vận hành, hoạt động theo đúng yêu cầu, điều kiện khách quan, đảm bảo thúc đẩy phát triển mà không gặp vướng mắc bởi quy định.

Có thể thấy rằng, nếu kiểm toán năm sau phát hiện ra sai sót càng nhiều hoặc tiếp tục lặp lại thì đây rõ ràng có thể xem là tình tiết tăng nặng, KTNN cần có kiến nghị và áp dụng các chế tài xử lý cao hơn, quyết liệt hơn để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng này.

Nếu những sai phạm được xác định là do cố ý liên quan đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì cũng không thể đổ lỗi do năng lực hạn chế hoặc thiếu hiểu biết, bởi hiện nay điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật cũng như yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật rất rõ ràng và những sai sót này đã được KTNN phát hiện, đã được chỉ ra trước đó. Cho nên, nếu những sai phạm, vi phạm cứ lặp đi lặp lại mang tính cố ý gắn với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì phải xem xét, xử lý quyết liệt.

Theo ông, những phát hiện kiểm toán này có ý nghĩa như thế nào đối với DN được kiểm toán nếu thực hiện theo đúng kiến nghị của KTNN?

Như chúng ta đã biết, Điều 7 Luật KTNN quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sau khi phát hành, công khai có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, khi KTNN đã chỉ rõ những sai phạm thì bắt buộc đơn vị phải thực hiện để đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là kết quả kiểm toán của KTNN giúp cho các DN nhìn lại thực trạng tuân thủ quy định pháp luật, thực tế hiệu quả hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của mình, thấy rõ những mặt làm được, những mặt tích cực để phát huy cũng như những sai sót, tồn tại, vướng mắc để có biện pháp khắc phục hoặc đưa ra các đề xuất, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc nếu liên quan đến cơ chế, chính sách. Kết quả kiểm toán cũng giúp các DN xem xét để tăng cường quản trị hiệu quả hoạt động ở góc nhìn khách quan, khoa học hơn từ bên ngoài.

Đối với những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công mà DN bắt buộc phải thực hiện cũng giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương về quản lý tài chính, tài sản công, cũng như giúp DN ngày một hoàn thiện và hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật, mang lại hiệu quả cao hơn.

Điều quan trọng nữa, sau khi thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, điều chỉnh báo cáo tài chính theo kết quả kiểm toán của KTNN thì báo cáo tài chính của DN đã được chứng thực, giúp vừa có giá trị về tính trung thực khách quan của thông tin tài chính, vừa sử dụng để công khai, minh bạch giúp các bên có liên quan khi sử dụng báo cáo tài chính của DN yên tâm là thông tin này đã được kiểm tra, thẩm định, kiểm chứng, đã được lập và trình bày theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính tin cậy, phục vụ cho hoạt động giao dịch cũng như các hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Cho nên, khi chấp hành đầy đủ kết luận, kiến nghị của KTNN không chỉ giúp DN hoàn thiện, chấn chỉnh công tác quản lý mà còn có giá trị như một sự xác nhận thông tin, hỗ trợ cho DN trong quan hệ giao dịch khách hàng cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Hiện nay, dư luận có đặt vấn đề về trách nhiệm của KTNN trong việc không phát hiện sai sót liên quan đến các DN, dự án do DN thực hiện như trường hợp của Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn mà cơ quan điều tra chỉ ra trong thời gian qua. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Theo quy định của Luật KTNN, KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đối với lĩnh vực DN, KTNN chỉ kiểm toán đối với những DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, DN do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết Tổng Kiểm toán nhà nước mới quyết định lựa chọn việc kiểm toán đối với đối tượng này.

Luật KTNN năm 2015 quy định rõ: Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán (Điều 4); Đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (Khoản 3 Điều 3); Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng KTNN quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp (Khoản 10 Điều 55).

Đối chiếu với quy định của Luật KTNN thì Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Phúc Sơn không phải là đối tượng, là đơn vị được KTNN kiểm toán trực tiếp. Tuy nhiên, có thể KTNN vẫn thực hiện kiểm toán các đơn vị chủ đầu tư là các cơ quan quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công có thực hiện ký kết các hợp đồng, thực hiện các dự án đối với 2 Tập đoàn này.

Tất nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thêm trên khía cạnh KTNN chỉ thực hiện kiểm toán trên cơ sở các quy định của pháp luật và các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất đặc trưng như quy trình, chuẩn mực kiểm toán… Theo đó, thực hiện hậu kiểm và chủ yếu dựa trên cơ sở kiểm tra hồ sơ, chứng từ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp, chứ chưa được thực hiện phương pháp kiểm toán điều tra cho nên khả năng đi thật sâu vào một số nội dung còn có hạn chế.

Ông Lê Minh Nam

Theo quy định, trường hợp KTNN thực hiện kiểm toán đối với dự án nêu trên và đã có kết luận, kiến nghị liên quan đến các nội dung sai phạm thì cũng phải được xem xét liệu có hay không phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nội dung hướng dẫn xác định trách nhiệm cũng được quy định rõ tại Luật KTNN; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan. Theo đó, nếu KTNN có thực hiện kiểm toán các dự án đó và khi các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, phát hiện KTNN, kiểm toán viên nhà nước có lỗi trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và đưa ra các kết luận, kiến nghị không đúng thì có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Và khi đó, tùy theo tính chất, mức độ của lỗi, của sai phạm thì sẽ bị xem xét trách nhiệm phù hợp.

Do đó, cần thiết phải xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện xem kiểm toán viên đã thực hiện đúng quy trình, đúng chuẩn mực, đúng yêu của pháp luật trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và tuân thủ nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp hay chưa. Còn đương nhiên, trường hợp kiểm toán viên làm không đúng quy trình, không đúng chuẩn mực, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm tùy theo tính chất, mức độ của lỗi phạm, sai phạm đã được cơ quan có thẩm quyền xác định./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

H.THOAN - L.HƯỜNG thực hiện