Thực trạng thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước khu vực XIII: Nguyên nhân và giải pháp

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 20:02, 02/06/2024

(BKTO) - Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời. Những năm qua, KTNN luôn quan tâm đến công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, vẫn còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện.
19.jpg
Cuộc họp chủ chốt tại Kiểm toán nhà nước khu vực XIII. Ảnh: HỒNG NHUNG

KTNN khu vực XIII chủ trì thực hiện kiểm toán tại các đơn vị trên địa bàn 4 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước và Bình Thuận. Từ khi thành lập (năm 2011) cho đến nay, KTNN khu vực XIII đã thực hiện 75 cuộc kiểm toán, với tổng số kiến nghị là 46.682 tỷ đồng (riêng năm 2023, số kiến nghị là 12.259 tỷ đồng; tổng số kiến nghị từ năm 2022 trở về trước là 34.423 tỷ đồng). Số kiến nghị kiểm toán của các cuộc kiểm toán từ năm 2022 trở về trước đã thực hiện đến thời điểm 31/12/2023 là 28.497 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83% (tỷ lệ kiến nghị thực hiện bình quân chung của toàn Ngành 79,76%). Tuy nhiên, vẫn còn một số kiến nghị tồn đọng nhiều năm, đặc biệt là các kiến nghị về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, kiến nghị về công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương.

Những năm gần đây, KTNN khu vực XIII cũng là đơn vị phát sinh khá nhiều các văn bản giải trình, kiến nghị, khiếu nại của các địa phương, đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan. KTNN khu vực XIII luôn chủ động nghiên cứu, trả lời kịp thời các văn bản khiếu nại, kiến nghị của các địa phương, đơn vị theo quy định và theo thẩm quyền. Đồng thời, đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Vụ tham mưu của KTNN trong trả lời các văn bản kiến nghị, khiếu nại lần thứ hai trở lên hoặc các văn bản kiến nghị lần đầu nhưng phải xem xét điều chỉnh kiến nghị kiểm toán.

59.jpg
Kiểm toán viên KTNN khu vực XIII kiểm toán tại hiện trường. Ảnh: HỒNG NHUNG

5 nhóm nguyên nhân chính phát sinh kiến nghị, khiếu nại

Qua tổng hợp và phân tích tình hình trả lời các văn bản kiến nghị, khiếu nại của các địa phương, đơn vị được kiểm toán, KTNN khu vực XIII nhận thấy có 5 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh nhiều văn bản giải trình, kiến nghị, khiếu nại trong những năm qua:

Thứ nhất, quá trình thực hiện kiểm toán, kết quả kiểm toán tại các Đoàn kiểm toán của KTNN khu vực XIII có nhiều phát hiện kiểm toán mới, có tính chất phức tạp, như: Công tác giao đất thực hiện dự án có sử dụng đất, việc cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản; việc áp dụng chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất; việc xác định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; việc áp dụng chưa đúng quy định về đền bù, hỗ trợ và tái định cư... Khi phát hiện các tồn tại, vi phạm, sai sót, KTNN đã kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên,việc thực hiện các kiến nghị này thường phức tạp và khó thực hiện do số tiền phải xử lý thường khá lớn, việc thực hiện kiến nghị liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau… Cho nên, địa phương, đơn vị khó thực hiện,thường tìm lý do, căn cứ để kiến nghị, khiếu nại để KTNN xem xét điều chỉnh kiến nghị hoặc để kéo dài thêm thời gian thực hiện kiến nghị.

Thứ hai, trong các kiến nghị kiểm toán tồn đọng có nhiều kiến nghị dưới dạng KTNN phát hiện dấu hiệu sai sót, vi phạm và giao lại cho các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, địa phương không tự xem xét, quyết định xử lý theo quy định của pháp luật mà lại phát hành các văn bản báo cáo lại tình hình, kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát và đề nghị KTNN xem xét, điều chỉnh lại kiến nghị kiểm toán. Các kiến nghị này rất khó giải quyết, vì KTNN thường chỉ nhận được văn bản báo cáo mà không có các bằng chứng, hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, đánh giá kết quả thanh kiểm tra, rà soát của địa phương. Chẳng hạn, kết quả kiểm tra, rà soát giá đất cụ thể của địa phương, KTNN gần như phải kiểm toán lại mới biết được kết quả rà soát, khắc phục sai sót, vi phạm của địa phương đã phù hợp hay chưa.

Thứ ba, theo quy trình trả lời kiến nghị hiện hành, đối với các văn bản trả lời lần đầu (trường hợp giữ nguyên kiến nghị), thì sẽ do đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trả lời ngay. Đối với nội dung trả lời thay đổi kiến nghị kiểm toán hoặc trả lời kiến nghị lần 2 thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán lập Tờ trình trình Tổng Kiểm toán nhà nước và chuyển hồ sơ cho Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước giải quyết. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp kết quả tham mưu và dự thảo công văn trả lời kiến nghị trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, ký ban hành hoặc Tổng Kiểm toán nhà nước giao cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán ký thừa lệnh.

Đơn cử, liên quan đến kiến nghị đối với các dự án giao đất thực hiện dự án nhà ở thương mại không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất tại tỉnh Đ, địa phương đã có tới 4 văn bản kiến nghị, giải trình qua nhiều năm khác nhau về cùng một vấn đề; hoặc liên quan đến kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi đền bù giải phóng mặt bằng đối với dự án C, địa phương cũng có tới 4 văn bản kiến nghị, giải trình giống nhau, mặc dù các văn bản giải trình lần trướcKTNN đều đã trả lời rất rõ ràng và nhất quán.

Trên thực tế, khi trả lời kiến nghị có thay đổi kiến nghị hoặc trả lời kiến nghị lần 2 trở đi,Lãnh đạo KTNN thường ủy quyền cho KTNN khu vực XIII trả lời. Vì vậy, khi nhận được văn bản trả lời do KTNN khu vực XIII ký, thì địa phương, đơn vị lại hiểu rằng đây mới chỉ là ý kiến trả lời của KTNN khu vực XIII, mà không phải là văn bản trả lời của KTNN. Cho nên, sau khi nhận được văn bản trả lời, địa phương lại tiếp tục có ý kiến. Thời gian gần đây, sau khi Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành mẫu văn bản trả lời mới (đối với các trường hợp ủy quyền cho đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trả lời) để khắc phục tình trạng này thì những kiến nghị trùng lắp nhiều lần đã giảm nhiều.

Thứ tư, nhiều trường hợp, cùng một kiến nghị kiểm toán nhưng có nhiều đơn vị cùng gửi văn bản giải trình, kiến nghị dẫn tới làm tăng số lượng văn bản kiến nghị, giải trình. Chẳng hạn, nội dung truy thu tiền thuê đất của Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy Nông nghiệp Miền Nam,nhưng doanh nghiệp gửi 2 văn bản và Cục Thuế cùng có văn bản kiến nghị, giải trình.

Thứ năm, những năm gần đây, một số địa phương có nhiều đoàn kiểm tra, giám sát các nội dung, chủ đề có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Trung ương và của địa phương. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát, các đoàn kiểm tra, giám sát thường yêu cầu các địa phương, đơn vị cung cấp các Báo cáo kiểm toán, Báo cáo thanh tra liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát. Khi nhận thấy các Báo cáo kiểm toán có nhiều kiến nghị còn tồn tại, chưa thực hiện được (thường là các kiến nghị phức tạp, khó thực hiện),các địa phương, đơn vị thường phát văn bản giải trình, kiến nghị với KTNN và cung cấp văn bản giải trình này cho các đoàn kiểm tra, giám sát là để giải trình, đối phó với các đoàn kiểm tra, giám sát rằng kiến nghị của KTNN chưa phù hợp, địa phương đã kiến nghị KTNN xem xét lại và KTNN chưa trả lời. Mục đích chính các văn bản giải trình này là nhằm tránh bị chất vấn, yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm của các đoàn kiểm tra, giám sát.

57.jpg
Kiểm toán viên KTNN khu vực XIII kiểm toán tại hiện trường. Ảnh: HỒNG NHUNG

Giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán

Từ các nguyên nhân nêu trên, KTNN khu vực XIII đề xuất một số giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán, đồng thời giảm số lượng các văn bản giải trình, kiến nghị, khiếu kiện như sau:

Một lànâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán để đảm bảo các kết luận, kiến nghị có tính chính xác và có tính khả thi cao. Đặc biệt, khi phát hiện những tồn tại, bất cập, sai sót, vi phạm trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc những dấu hiệu lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước, các Đoàn kiểm toán phải nêu rõ nội dung kinh tế của sai sót, sai phạm; trích dẫn rõ các điều khoản văn bản mà địa phương, đơn vị vi phạm chưa làm đúng; thuyết minh rõ phương pháp, cách thức, căn cứ tính toán số tiền sai sót, vi phạm…

Đồng thời, phải lắng nghe các ý kiến góp ý, giải trình của địa phương, đơn vị ngay trong quá trình kiểm toán hoặc khi họp thông qua dự thảo Biên bản kiểm toán, dự thảo Báo cáo kiểm toán; các nội dung, vấn đề không đồng tình với giải trình, góp ý của địa phương, đơn vị cần giải thích rõ ràng trong Biên bản kiểm toán, Báo cáo kiểm toán hoặc có phụ lục giải thích về những nội dung không đồng ý với giải trình của địa phương, đơn vị.

Hai là, thực hiện công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Có thể nói, uy tín của KTNN trong những năm gần đây đã tạo ra sự quan tâm, chú ý rất lớn của các cơ quan truyền thông và nhân dân. Do vậy, nếu kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ góp phần tích cực vào việc phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Ba làxử lý nghiêm minh các hành vi cố tình không thực hiện các kiến nghị có đủ căn cứ, đủ điều kiện thực hiện của KTNN. Khi phát hiện hành vi cố tình chây ỳ, giải trình nhiều lần mà không thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán, KTNN cần có văn bản gửi các cơ quan chủ quản cấp trên đề nghị đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị được kiểm toán nghiêm túc tổ chức thực hiện các kiến nghị kiểm toán, kể các kiến nghị địa phương, đơn vị đang có văn bản giải trình, kiến nghị, khiếu nại mà chưa được giải quyết.

Bốn là, khi các đoàn kiểm tra, giám sát liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các địa phương đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu, các KTNN khu vực cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo KTNN để cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung, chủ đề kiểm tra, giám sát giúp các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương và địa phương nắm bắt, hiểu rõ về kết quả kiểm toán, các căn cứ, cơ sở của các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Từ đó, các đoàn kiểm tra, giám sát có kết luận kiểm tra, giám sát chính xác hơn./.

MAI VĂN TÂN - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII