“Điểm nóng” về môi trường tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua kiểm toán
Kiểm toán - Ngày đăng : 09:45, 04/06/2024
Năm 2023, KTNN thực hiện kiểm toán: Hoạt động quản lý, công tác xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh Long An, Tây Ninh; Công tác quản lý, BVMT đối với các nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022; Công tác quản lý, BVMT đối với các cụm công nghiệp và làng nghề của các tỉnh: Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2022. Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và BVMT tại các KCN, CNN và làng nghề.
Ban hành văn bản liên quan đến môi trường chưa đầy đủ, kịp thời
Theo KTNN, công tác ban hành văn bản liên quan đến hoạt động quản lý môi trường chưa đầy đủ, kịp thời. Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chưa ban hành quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chưa hướng dẫn phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác tại nguồn theo quy định. Tỉnh Quảng Ninh chưa hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích bãi thải vượt quá 2 năm sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, tại tỉnh Long An, tỉnh này chưa ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn quản lý nước thải và chất thải rắn; quy định phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quy chế phối hợp giữa các đơn vị để áp dụng trên địa bàn tỉnh, chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, quy định về lộ trình và thời gian vận chuyển chất thải nguy hại.
Còn với Tây Ninh, tỉnh này chưa ban hành chính sách khuyến khích việc phân loại riêng rác thải nguy hại trong rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương, văn bản, cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý nước thải.
Thêm vào đó, một số đơn vị chức năng trên địa bàn chưa thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ văn bản liên quan đến công tác quản lý, BVMT tại các CCN và làng nghề trên địa bàn theo thẩm quyền, như: Hà Tĩnh 5 văn bản, Nam Định 4 văn bản, Bắc Giang 9 văn bản, Thái Bình 14 văn bản. Công tác ban hành văn bản liên quan đến hoạt động quản lý môi trường cũng chưa phù hợp.
Cụ thể, tỉnh Long An quy định giá tối đa, đồng thời giao UBND cấp huyện ban hành mức giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt trên địa bàn từng huyện chưa phù hợp về thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 79 Luật BVMT năm 2020.
Còn tại tỉnh Tây Ninh, việc quy định đơn giá thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển rác thải sinh hoạt không căn cứ vào cự ly vận chuyển bình quân từ bãi tập kết đến bãi xử lý rác, không quy định giá dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt của tổ chức và cá nhân; đơn giá xử lý rác chưa tính đến yếu tố khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra (nếu có).
Đáng nói, một số địa phương/đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Điển hình, UBND tỉnh Quảng Ninh chưa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thu hồi diện tích bãi thải vượt quá diện tích chứa của 2 năm sản xuất trung bình theo quy mô, công suất của từng nhà máy trên địa bàn theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc và huyện Đức Thọ chưa phê duyệt và thực hiện kế hoạch di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hoạt động phát triển CCN trên địa bàn; chưa lập và triển khai biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề. UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (chủ đầu tư CCN Trường Sơn), UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (CCN Đức Thắng) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng kinh doanh theo quy định.
Sở TN&MT các tỉnh Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình không tham mưu UBND tỉnh thực hiện phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm. Còn tại tỉnh Long An, Sở TN&MT chưa tổ chức việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ định kỳ 5 năm theo quy định; chưa thực hiện một số nhiệm vụ UBND tỉnh giao trong công tác quản lý rác thải. Sở Công Thương các tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Giang chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác BVMT tại các CCN, làng nghề.
Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, một số nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than tăng công suất nhưng chưa báo cáo Bộ TN&MT như: NMNĐ Mông Dương 1 của Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Dự án NMNĐ Uông Bí mở rộng II (Tổ máy 02) của Công ty Nhiệt điện Uông Bí; khai thác nước mặt vượt giấy phép (NMNĐ Mông Dương 1); chưa tính toán đúng diện tích bãi xỉ (Công ty Nhiệt điện Uông Bí - NMNĐ Uông Bí; Công ty Nhiệt điện Mông Dương - NMNĐ Mông Dương 1); chưa quan trắc định kỳ hằng năm đối với tro xỉ, bùn thải (NMNĐ than Cẩm Phả, NMNĐ than Mạo Khê các năm 2018-2021, NMNĐ than Thăng Long 2018 và các năm 2020-2021).
Chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, chưa đánh giá tác động môi trường
Kết quả kiểm toán cho thấy, một số KCN, CCN, làng nghề đã hoạt động nhưng chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT (Hà Tĩnh 18 CCN, Long An 1 KCN và 15 CCN); chưa có đánh giá tác động môi trường (Hà Tĩnh 3 CCN, Bắc Giang 9 CCN, Thái Bình: các CCN do huyện làm chủ đầu tư); chưa có đầy đủ hồ sơ môi trường, đề án BVMT (Bắc Giang: 9 CCN chưa lập Đề án BVMT, 1 CCN chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, Thái Bình: các CCN do huyện làm chủ đầu tư); chưa được phê duyệt phương án BVMT (Nam Định 51 làng nghề); chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT (Hà Tĩnh 18 CCN, Bắc Giang 16 CCN, Long An 4 KCN).
Một số KCN, CCN, làng nghề chưa có hệ thống nước thải tập trung hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật BVMT. Chẳng hạn, tại tỉnh Hà Tĩnh: 3 CCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 2 CCN đã có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. 19 CCN tại tỉnh Nam Định chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 17 CCN, 25 làng nghề tại tỉnh Bắc Giang chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 26 CCN tỉnh Thái Bình chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Bên cạnh đó, một số KCN, CCN, làng nghề thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt. Ví dụ, tỉnh Hà Tĩnh: CCN Thái Yên thi công trạm xử lý nước thải không đúng công nghệ xử lý, chưa thi công bãi xử lý chất thải rắn theo báo cáo ĐTM được duyệt; chưa thi công hệ thống xử lý khí thải của lò sấy gỗ. Tỉnh Long An: hầu hết các KCN chưa bố trí trạm trung chuyển rác sinh hoạt và thực hiện công nghệ xử lý chất thải theo báo cáo ĐTM được phê duyệt.
Chưa kể, một số KCN, CCN, làng nghề vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng không có giấy phép xả nước thải (Hà Tĩnh 3 CCN); có diện tích và địa điểm chưa đúng với quy hoạch (CCN Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh, CCN Tăng Tiến và CCN Hà Thịnh của tỉnh Bắc Giang (sai khác diện tích); CCN đã hoàn thành từ nhiều năm nhưng chưa đi vào hoạt động (CCN Bãi Ổi của tỉnh Bắc Giang).
Ngoài ra, một số doanh nghiệp, cơ sở y tế tại một số địa phương chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường (Tỉnh Long An: Trung tâm y tế các huyện Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa; Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Đức Hòa, Lò đốt thị xã Kiến Tường, Lò đốt huyện Tân Hưng); chưa có đầy đủ hồ sơ môi trường, đề án BVMT (Nam Định 49 cơ sở, Long An 4 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt), giấy phép môi trường (Tây Ninh: 5 công ty tại 2 KCN, 7 cơ sở y tế); thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt (Tỉnh Tây Ninh: Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương VN, Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh, Công ty TNHH dệt may Rise Sun Hồng Kong, Công ty TNHH công nghệ Sincetech Việt Nam).
Chưa thực hiện đúng yêu cầu về đấu thầu
Cũng theo KTNN, một số địa phương có trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện về môi trường (Hà Tĩnh 2 CCN, Bắc Giang 1 CCN, Thái Bình 4 CCN); thu gom, vận chuyển xử lý rác y tế lây nhiễm không đúng mô hình được phê duyệt (Long An, Tây Ninh); chưa xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Long An).
Thậm chí, một số địa phương chưa thực hiện đúng các yêu cầu về đấu thầu. Đơn cử, tỉnh Long An: công tác thu gom, vận chuyển thực hiện chỉ định thầu chưa thực hiện đấu thầu (huyện Bến Lức, Cần Giuộc, TP. Tân An); tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt sau khi gói thầu đã thực hiện 7 tháng (huyện Thủ Thừa). Tỉnh Tây Ninh: phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp; không tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Một số địa phương chưa thực hiện đúng các yêu cầu ký kết hợp đồng đặt hàng hoạt động xử lý rác thải. Điển hình, tỉnh Long An: hợp đồng xử lý chất thải lây nhiễm theo tuyến cụm căn cứ vào Thông tư đã hết hiệu lực (Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc); hợp đồng xử lý chất thải ký sau thời gian thực hiện hợp đồng (Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc); hợp đồng không quy định phương tiện, trách nhiệm vận chuyển chất thải y tế (Bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa, Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc); hợp đồng với trạm y tế, phòng khám có phương thức thanh toán cố định, không theo số lượng thực tế phát sinh (Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc). Tỉnh Tây Ninh: hợp đồng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên trong trường hợp vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết; xử lý rác thải nguy hại nhưng chưa được cấp phép./.