Từ kết quả kiểm toán, đại biểu Quốc hội “truy” trách nhiệm về vi phạm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Chính trị - Ngày đăng : 12:11, 04/06/2024

(BKTO) - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Quốc Khánh, sáng 04/6, tại Quốc hội, vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã làm “nóng” nghị trường.
mr-khanh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Cần tăng cường quản lý, tăng nguồn thu cho ngân sách

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, vừa qua Bộ TNMT và UBND các tỉnh đã cố gắng để thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể đã đấu giá được quyền khai thác đối với 837 khu vực đấu giá, các mỏ khoáng sản. Quan điểm nhất quán là tài nguyên khoáng sản là tài sản công, cần phải tăng cường đấu giá để tăng nguồn thu tối đa cho ngân sách từ tài nguyên khoáng sản, cũng như phải sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.

Về khu vực khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng đã dẫn Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, trong đó quy định rõ, để đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, khu vực có khoáng sản được khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Khu vực có khoáng sản: Than, urani, thori; Khu vực đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng hoặc khoáng sản là phụ gia điều chỉnh làm xi măng đã xác định là nguồn nguyên liệu cho các dự án nhà máy xi măng; khu vực có khoáng sản đã xác định là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các dự án nhà máy chế biến sâu khoáng sản đã xác định trong quy hoạch khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khu vực có nước khoáng, nước nóng thiên nhiên gắn với các dự án đầu tư có sử dụng nước khoáng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư; Khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh; Khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới; Khu vực hoạt động khoáng sản mà việc thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực đó bị hạn chế; Khu vực hoạt động khoáng sản đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, qua 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản, thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, cũng như căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, Bộ TNMT đã tham mưu xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó cố gắng quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong Luật.

“Chúng ta thực hiện trên quan điểm tăng cường đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng muốn đấu giá được, nhất là đối với các loại khoáng sản loại 1, cần phải tăng cường quy định trong Luật. Vì thế, Dự thảo Luật đã cố gắng ưu tiên nguồn lực để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Qua điều tra mới thấy được cơ bản chính xác trữ lượng và số tiền NSNN bỏ tiền ra để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đối với các địa phương được phân cấp quản lý về nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng cũng vậy, việc đấu giá tài sản gắn với điều tra cơ bản và nguồn lực. Trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, chúng tôi đã đưa ra những quy định như vậy” - Bộ trưởng cho biết.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh nêu rõ, như tôi đã đề cập, quan điểm của chúng ta là tăng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cố gắng để tăng thu nguồn ngân sách tối đa từ khoáng sản, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Vừa qua, Bộ TNMT đã đánh giá những bất cập trong đấu giá quyền khai thác, những nội dung bất cập trong Luật Khoáng sản năm 2010 và đang trình Quốc hội Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó quy định rõ hơn về đấu giá khai thác, quyền, tiêu chí, mức độ, đảm bảo tính minh bạch; cố gắng thu tối đa nhất về nguồn ngân sách. Trên cơ sở các yêu cầu, tiêu chí… từ Luật sẽ ban hành các Nghị định, Hướng dẫn thi hành…”.

Từ quá trình 14 năm thực thi Luật Khoáng sản năm 2010, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý để sửa đổi, tiến đến ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, từ đó đưa đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo minh bạch và phù hợp hơn với thực tiễn trong thời gian tới.

Tính đến ngày 31/12/2023, Bộ TNMT, UBND cấp tỉnh đã triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 837 khu vực khoáng sản, kết quả đấu giá tăng trung bình từ 20 - 40% so với giá khởi điểm. Số liệu thống kê cho thấy các mỏ đấu giá thành công chủ yếu là: mỏ cát, sỏi chiếm 68,75%; đá làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm 15,79%; sét, sét gạch ngói chiếm 5,59%.

Truy rõ hơn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nhấn mạnh sự cần thiết phải đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản cũng như việc tiếp tục hoàn thiện quy định về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, Bộ trưởng chưa đề cập đến thực trạng thực hiện việc đấu giá hiện nay.

cuong.jpg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết (Đoàn Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng TNMT. Ảnh: VPQH

“Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, còn nhiều tồn tại trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm, như nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phê duyệt kế hoạch đấu giá nhưng không thực hiện, vi phạm thủ tục đấu giá… Đồng thời, công tác quản lý, theo dõi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Bộ TNMT cũng chưa đầy đủ”.

Dẫn thông tin trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn thực trạng, trách nhiệm và giải pháp của Bộ TNMT nhằm khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong những vấn đề trên, nhằm thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật?

Phản hồi ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 13 năm thực hiên Luật Khoáng sản đã khẳng định chính sách cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tăng nguồn thu cho NSNN cũng như trách nhiệm đối với các mỏ trong việc thực hiện các giấy phép khai thác khoáng sản.

Bộ trưởng cho biết, tính đến năm 2023, tổng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỷ đồng, tức là trung bình mỗi năm thu khoảng 5.000 tỷ đồng.

Về những bất cập như đại biểu nêu, Bộ trưởng lý giải, tiền cấp quyền thì được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động. Khi điều tra cơ bản địa chất cho khai thác khoáng sản thì có nhiều mỏ không thể đánh giá được trữ lượng tuyệt đối, mà tiền cấp quyền thì được tính theo kết quả điều tra thăm dò khoáng sản, nên độ chính xác chỉ bảo đảm tương đối - Bộ trưởng thừa nhận.

Để tính toán tiền cấp quyền khai thác hợp lý và phù hợp, Bộ trưởng cho biết, trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, cơ quan soạn thảo đã tham mưu đưa vào quy định là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán thì theo khối lượng khai thác thực tế./.

H.THOAN - N.HỒNG