Nam Định - Tầm nhìn và khát vọng phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 16:30, 04/06/2024

(BKTO) - Trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nam Định đã chủ động nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức để xây dựng và phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Những thành tựu mà tỉnh đạt được là kết quả của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn chiến lược cũng như vun đắp, nuôi dưỡng khát vọng phát triển.

Tư duy đổi mới, đột phá

Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá bắt đầu từ việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt của tỉnh. Nam Định là đầu mối trung chuyển và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy của phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Với 72km đường bờ biển, Nam Định có vị trí vô cùng thuận lợi, kết nối giao thương mật thiết với các tỉnh, trung tâm kinh tế - xã hội lân cận.

Bên cạnh tiềm năng về tự nhiên, Nam Định còn có cả những yếu tố thuộc về con người, văn hoá. Đây là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và hào khí Đông A, có truyền thống hiếu học, lực lượng lao động dồi dào. Các thế hệ lãnh đạo của Nam Định đã nhận diện đúng những lợi thế này, đồng thời có chính sách phù hợp để biến tiềm năng thành nguồn lực và động lực phát triển.

nd.jpg
Tỉnh Nam Định đẩy mạnh  thu hút đầu tư các ngành công nghiệp thế mạnh của địa phương

Tư duy đổi mới, đột phá được cụ thể hoá trong việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngoài tinh thần chỉ đạo chung trong cả nước là “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”; tỉnh đã bổ sung thêm phương châm “Dân cần”, “Dân hưởng thụ” sau quá trình tổng kết cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Tỉnh đã thực hiện thành công hàng loạt các việc lớn, việc khó, có tính đột phá như: Công tác dồn điền, đổi thửa; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, góp đất; xây dựng môi trường sinh thái. Kết quả, năm 2019, Nam Định trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và sớm hơn 11,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Huyện Hải Hậu được Trung ương chọn là một trong bốn huyện xây dựng mô hình điểm huyện NTM kiểu mẫu.

Trên tinh thần nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp có tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong hai nhiệm kỳ gần đây, tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Chủ trương của tỉnh là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư các ngành công nghiệp thế mạnh của địa phương như: Cơ khí; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược lâu dài về giao thông, khu, cụm công nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục. Đồng thời, quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, từ năm 2021 đến tháng 5/2024, tỉnhNam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 247 dự án (gồm 177 dự án đầu tư trong nước, 70 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 108.200 tỷ đồng và 608,1 triệu USD (vượt xa mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025)

Cùng với thu hút đầu tư, kinh tế biển được xác định là một trong những trọng điểm, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển; không chỉ tạo “cú hích” thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng mà còn có tác động lan toả cả vùng Duyên hải Bắc Bộ nói chung.

tpo-kenhninhco-1-4634.jpg
Toàn cảnh luồng thủy nội địa quốc gia nối sông Đáy với sông Ninh Cơ

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”, tỉnh tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ, từng bước hình thành các khu kinh tế, khu đô thị tạo điểm nhấn của vùng ven biển như: Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng; khu đô thị Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông,... theo hướng phát triển đồng bộ công nghiệp, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng. Một số dự án có vai trò tạo sức bật mới cho nhiệm vụ khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế vùng kinh tế biển cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai như: Tổ hợp Thép Xanh Xuân Thiện Nam Định với tổng mức đầu tư đầu tư gần 100.000 tỷ đồng; Giai đoạn 2 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ… tạo điều kiện kết nối với các vùng kinh tế khác trong khu vực và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế biển trở thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh.

Từng bước hiện thực hoá khát vọng phát triển

Từ tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân, tỉnh Nam Định đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Kinh tế của tỉnh ngày càng ổn định và có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo của tỉnh đang được thay đổi toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023 bình quân đạt 9%/năm, trong đó năm 2023 đạt mức tăng trưởng 10,19% cao nhất từ trước đến nay, 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,56%, đứng thứ 11 cả nước.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,5%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,5% (tăng 5,0% so với năm 2020). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, Tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) gấp 1,3 lần; thu nhập thực tế bình quân đầu người gấp 1,4 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2020.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn (chiếm 96,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 34/188 xã (chiếm 18,09%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX); hoàn thành hồ sơ trình thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023 đối với huyện Giao Thuỷ; xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) là một trong 09 xã của cả nước được chọn để thực hiện thí điểm “Mô hình xã NTM thông minh”.

ngam-nhung-cung-duong-hoa-muoi-gio-dep-ngay-ngat-8-hoa-muoi-gio-o-haihau-namdinh-1526575723-width1024height680.jpg
Nhân dân các xã đạt chuẩn NTM của huyện Hải Hậu chung tay chăm chút những con đường hoa sạch đẹp

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng đang triển khai và đã hoàn thành, góp phần cải thiện địa vị kinh tế, tạo động lực cho phát triển lâu dài của tỉnh.

Các lĩnh vực văn hoá xã hội có bước phát triển ổn định. Ngành giáo dục và đào tạo duy trì thành tích 29 năm liên tục nằm trong top dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; đối ngoại địa phương ngày càng mở rộng.

Nam Định đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm. Kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế” với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển…

Định hình không gian phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định không chỉ vươn lên tầm cao mới mà còn khẳng định bước đột phá cho vùng đất trọng điểm của vùngphía Nam đồng bằng sông Hồng. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Nam Định phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới./.

Thu Trang