Tăng cường cơ giới hóa, gắn với chuỗi chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản

Đầu tư - Ngày đăng : 18:35, 04/06/2024

(BKTO) - Trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn lĩnh vực công thương chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ khí hóa và phát triển chuỗi chế biến là giải pháp vô cùng quan trọng để nâng cao giá trị nông sản. Song vấn đề này cũng đang gặp những thách thức nhất định và cần có giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để tháo gỡ.
040620240228-z5506382872297_613da2c6f80e3d06dbfc02b8528aafda-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời câu hỏi của đại biểu

Cơ giới hóa và chuỗi chế biến giúp nâng cao giá trị nông sản

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của cơ giới hóa nâng cao giá trị chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn được khẳng định trong thực tế những năm vừa qua.

“Trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo chúng ta đã sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu về cơ chế khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản và đạt được kết quả cụ thể. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%...

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm bước đầu phát triển, các dây chuyền thiết bị nông sản như cà phê, hạt điều do doanh nghiệp trong nước thiết kế, chế tạo cũng được sử dụng trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước, góp phần tăng giá trị xuất khẩu nông sản và giá trị tăng bình quân mỗi năm từ 8% đến 10%.

xuat-nhap-khau-nong-san-tai-viet-nam.jpg

“Chúng ta đã thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực này. Bộ cũng áp dụng nhiều giải pháp về quản lý cụm công nghiệp; triển khai các chương trình ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ở các địa phương nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến” - Bộ trưởng cho biết.

Cần có giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi chế biến

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong việc cơ giới hóa, cũng như đẩy mạnh công nghệ chế biến trong nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng, một số giải pháp để giải quyết các thách thức, hạn chế trong vấn đề này như: Tăng cường áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất để bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của các thị trường. Nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công, công nghiệp, nông thôn để hỗ trợ đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên biệt để phục vụ cho quá trình chuyển dịch trong khu vực nông nghiệp nước ta. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí chế tạo những sản phẩm máy móc, linh kiện và sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp…

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu vấn đề, tại Báo cáo phục vụ chất vấn tại Kỳ họp này về việc thực hiện chính sách pháp luật phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn đã chỉ ra hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi, song vẫn còn hạn chế nhất định.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu trong chế biến nông sản để nâng cao giá trị và ổn định thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm của ngành cơ khí trong phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn chưa chiếm lĩnh được thị trường trong khi máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp vẫn nhập khẩu.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Theo đại biểu, việc ban hành chính sách áp dụng chung cho các địa phương trên phạm vi cả nước còn nhiều hạn chế và sẽ còn khó khăn hơn đối với các địa phương không có nhiều lợi thế để thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm thủy sản, nhất là các tỉnh miền núi.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút được các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chế biến nông, lâm thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng những chính sách ưu đãi hơn?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, để thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi chế biến, đặc biệt là vào vùng sâu, vùng xa thì phải có vùng nguyên liệu. Để có vùng nguyên liệu thì chính quyền địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng được công nghệ mới trong các khâu của quá trình sản xuất; bảo đảm sản phẩm xanh - sạch - chất lượng; sản xuất và cung ứng cho thị trường những cái thị trường cần chứ không phải những cái mà mình có.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đánh giá và tham mưu xây dựng, sửa đổi chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy vấn đề này.

img_20191202_120409.jpg
Cần tăng cường thực hiện các giải pháp để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: TL

Về giải pháp đối với phát triển chuỗi chế biến, cũng như tăng cường cơ giới hóa, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ có cơ chế để tiếp tục khuyến khích tích tụ đất trong nông nghiệp theo pháp luật về đất đai và các quy định liên quan để tạo ra những vùng trồng, vùng nuôi quy mô lớn, đủ khối lượng sản phẩm để xuất khẩu.

Thông tin thêm về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành tập trung hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu thực phẩm ở 3 cấp độ. Đồng thời Bộ cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai phối hợp về hỗ trợ đăng ký bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài../.

N.LỘC