Chủ tịch Quốc hội: Tổng Kiểm toán nhà nước nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục
Chính trị - Ngày đăng : 13:14, 05/06/2024
Hoạt động kiểm toán nhà nước đạt nhiều kết quả nổi bật
Trưa 5/6, Quốc hội đã hoàn thành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước, quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công; giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng.
“Chất vấn của các đại biểu Quốc hội rất cụ thể, bám sát nội dung chất vấn. Tổng Kiểm toán nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Phiên chất vấn đã có 35 đại biểu đăng ký chất vấn và đã được chất vấn đầy đủ, trong đó có một ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.
Qua chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động của KTNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị và có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật. Kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN tăng liên tục qua từng năm, thu nộp về ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được KTNN triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ tịch Quốc hội, lĩnh vực kiểm toán vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Kết quả kiểm toán chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc phát hiện hành vi tham nhũng còn khó khăn. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Còn có kiểm toán viên vi phạm quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Còn một số trường hợp chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có những giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.
Theo đó, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, từng bước chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo; có biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật các Đoàn kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra kết luận, kiến nghị thiếu bằng chứng, không đủ căn cứ pháp lý, dẫn đến thiếu khả thi, khó thực hiện.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về KTNN; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, kết nối liên thông với Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu KTNN tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; nghiên cứu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán thu hồi, hoàn trả, giảm chi ngân sách trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự...