Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:16, 04/06/2024
Với chủ đề: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp” nhằm tích cực phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để định hướng cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong quản lý, đầu tư và phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng đến phát triển bền vững.
Diễn đàn môi trường lần thứ III - Năm 2024, đã nhận được nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, WB tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời các Viện nghiên cứu, các Doanh nghiệp môi trường, xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho biết: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả. Khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, vì chất thải rắn sinh hoạt, có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.
Thông điệp của diễn đàn môi trường năm 2024, là kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hưởng ứng thực thi hiệu quả Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và có nhiều sáng kiến áp dụng trong phân loại rác, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để bảo vệ môi trường.
Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Ước tính, hiện cả nước phát sinh khoảng 60.000 - 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%. Các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh từ 7.000 đến 9.000 tấn/ngày. Dự báo, năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10-16%/năm.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Theo đó coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện triệt để nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều.
Với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp công nghệ, xử lý và tái chế chất thải rắn sinh hoạt; sự đồng hành tuyên truyền của các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ góp phần vào thành công chung Diễn đàn năm nay./.