Sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử

Chính trị - Ngày đăng : 13:11, 05/06/2024

(BKTO) - “Cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ quản lý”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
quoc-hoi-khoa-xv-tien-hanh-phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van.jpg
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Do đó, giải pháp quản lý không gian mạng là thể chế số, công cụ số và con người số - kỹ năng số cho người dân. TMĐT đang phát triển rất nhanh còn thể chế số, công cụ số và kỹ năng số và đang theo sau, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, nhất là công cụ số.

Trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số hiện đại để quản lý toàn diện, giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường. Chẳng hạn như, có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khỏan có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn chứng.

bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-nguyen-manh-hung-tra-loi-chat-van.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh công nghệ số là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Ảnh: quochoi.vn

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số giúp Bộ Công thương phát triển các công cụ số để quản lý TMĐT. Bên cạnh đó, Quốc hội cần quan tâm tăng đầu tư cho việc phát triển các công cụ số để quản lý TMĐT nói riêng và quản lý không gian mạng nói chung.

Thời gian qua, hoạt động công thương có nhiều đổi mới, TMĐT phát triển mạnh, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động động công thương, hoạt động TMĐT, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững…

Qua phiên chất vấn, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng TMĐT; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động TMĐT.

Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên mạng. Chủ động rà soát và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân, nhất là các dữ liệu để xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân, thông tin thẻ tín dụng… Bởi, một người khác có thể mạo danh chúng ta để hoạt động thay chúng ta và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.

TMĐT thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập lưu trữ và xử lý ngày càng nhiều, đi kèm với đó là nguy cơ lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng đến TMĐT và các lĩnh vực khác. Chính phủ đã ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó, quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với ngành, lĩnh vực quản lý của mình. Chính phủ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về bảo vệ đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Các sàn TMĐT phải tuân thủ Nghị định này. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác về đảm bảo an toàn thông tin, trong đó TMĐT được coi là lĩnh vực quan trọng cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng nói chung cũng như TMĐT. Bộ đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng, đánh giá xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gán nhãn tín nhiệm cho trên 5000 website chính thống; đồng thời công bố các website lừa đảo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân như: Kiểm tra máy tính, điện thoại di động có bị nhiễm mã độc; kiểm tra thông tin cá nhân có bị lộ lọt; kiểm tra xem một website có phải lừa đảo trên Cổng khonggianmang.vn; có 21 tỷ lượt xem video tuyên truyền về nhận thức về kỹ năng số trên mạng xã hội từ gần 21 triệu người Việt Nam; đã xây dựng cẩm nang an toàn trực tuyến để hướng dẫn người dân kỹ năng an toàn thông tin khi tham gia không giang mạng… Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương trong triển khai các công tác trên trong lĩnh vực TMĐT.

Tại phiên trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, TMĐT sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng truyền thống. Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến TMĐT, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan cũng quy định về các vấn đề liên quan đến TMĐT.

“Mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ, thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên TMĐT.

THÙY LÊ