Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tỉ trọng thấp so với mục tiêu
Đầu tư - Ngày đăng : 12:08, 05/06/2024
Trong hai buổi chất vấn chiều 4/6 và sáng 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành công thương.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) về công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã tập trung vào 03 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ cho dệt may; công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghệ cao.
Sau 06 năm triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu cần đạt được là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định.
Sau 6 năm thực hiện mục tiêu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nội địa, linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; còn ngành dệt may, da giày là 40-45%
“Kết quả thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg cũng giúp Việt Nam giảm dần phụ thuộc nguyên liệu của nước ngoài, tăng tỉ trọng đóng góp của ngành chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp nói chung, cơ cấu nền kinh tế, đóng góp vào công nghiệp chủ lực của Việt Nam” - ông Diên cho biết.
Tuy nhiên một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng, các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng đạt mục tiêu chưa cao…
Cụ thể, điện tử viễn thông, tin học, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 15%, công nghệ cao sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 10%.
Về nguyên nhân sản phẩm công nghiệp thấp hơn mục tiêu, ông Diên nói rằng do nguồn lực của Nhà nước đầu tư còn hạn chế, khó tiếp cận; chính thu hút FDI chưa khuyến khích và ràng buộc liên kết của doanh nghiệp nước ngoài và trong nước nên dẫn đến tình trạng này, vốn lớn.
"Ngành công nghiệp cơ khí thu hút vốn khó bởi thị trường hẹp, Việt Nam là nước đi sau nên khả năng cạnh tranh với các nước phát triển khó. Việc hợp tác với các cấp, ngành, cơ quan đơn vị và cả doanh nghiệp là chưa thật tốt” - ông Diên nói.
Trong khi đó, việc phối hợp thực hiện chính sách giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và cả các doanh nghiệp chưa thật tốt, cho nên chính sách thì có nhưng chúng ta không thể tiếp cận được và không thực hiện được.
Về giải pháp đối với vấn đề này, ông Diên cho rằng, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, phối hợp chặt chẽ Trung ương, địa phương và doanh nghiệp. Bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ tới 2025, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.