Kế toán, kiểm toán góp mặt trong top 10 nghề “hot” năm 2019
Xã hội - Ngày đăng : 15:10, 13/11/2018
(BKTO) - Theo dự báo của VietnamWorks- trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, trong danh sách top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 có nghề kế toán, kiểm toán... Sự trở lại này đã đánh dấu gần 10 năm vắng bóng trong nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của nghề kế toán, kiểm toán.
Kế toán, kiểm toán thoát “báo động đỏ”
Cụ thể, theo “Báo cáo về Nhu cầu tuyển dụng và Nguồn cung lao động trong năm 2018 và Dự báo năm 2019” do VietnamWorks thực hiện và công bố mới đây, danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm: Tài chính/đầu tư, Bán hàng, hành chính/thư ký, kế toán, IT/phần mềm, marketing, chăm sóc khách hàng, kiểm toán, Internet/online media và xây dựng.
Trong đó, hành chính/thư ký được dự báo đứng đầu trong Top 10 ngành nghề có nguồn cung lao động nhiều nhất trong năm tới. Đây cũng là ngành nằm trong top 3 được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong năm 2019.
Đáng chú ý, trong khi các ngành, nghề khác ít có sự biến động so với mọi năm, thì trong báo cáo năm nay đã ghi nhận sự thay đổi đáng kể, khi VietnamWorks xếp ngành kế toán, kiểm toán trong nhóm 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao. Bởi, trong các báo cáo trước đó, đây là những ngành nghề nằm trong “báo động đỏ” vì dư thừa nhân sự.
Kết quả này cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm trở lại đây, hai ngành nghề này được dự báo là có nhu cầu tuyển dụng cao. “Sự chuyển biến này là bình thường bởi căn cứ vào kết quả khảo sát đối với DN cũng như dự báo nhu cầu thị trường trong năm tới”- đại diện VietnamWorks lý giải.
Nghề kế toán, kiểm toán thuộc nhóm 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 -Ảnh: Internet |
Theo VietnamWorks, 74% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên. Trong đó, 33% DN có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng cao trên 30%, trong đó 15% sẽ tăng từ 30- 40%; 15% tăng từ 40 - 50% và 3% tăng đến trên 50%. Số DN còn lại, có 33% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 10%- 20% và 26% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 20% - 30%.
Nhiều ngành đứng trước nguy cơ thừa nhân lực
Bên cạnh một số ngành dự báo có nhu cầu tuyển dụng cao, qua thống kê của VietnamWorks cho thấy, khả năng sẽ dư thừa nguồn nhân lực trong tương lai gần của các ngành nghề như: Bán sỉ/bán lẻ; hoạch định/dự án; thu mua/vật tư/cung vận; quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại.
Theo đó, các ngành này không nằm trong danh sách top 10 các ngành tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng, nhưng lại trong danh sách top 10 ngành nghề có nguồn lao động tăng trưởng mạnh nhất.
Thống kê về ngành nghề có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất trong cả nước cho thấy lĩnh vực thu mua/vật tư/cung vận đang đứng đầu với tỷ lệ 1/82 (có nghĩa cứ 1 người tìm việc trong lĩnh vực này sẽ phải cạnh tranh với 81 người khác). Điều này cho thấy có thể đây là ngành sẽ rơi vào tình trạng thừa nhân lực khi ngành này vừa nằm trong top 10 ngành nghề có nguồn cung lao động tăng trưởng mạnh nhất (đứng thứ 9), lại vừa đứng đầu danh sách những ngành nghề có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất trong năm 2018.
Tuy nhiên, số liệu của báo cáo cho thấy, công việc dành cho người có kinh nghiệm vẫn đang thống trị thị trường tuyển dụng năm 2018, chiếm 72% nhu cầu tuyển dụng. Tiếp theo lần lượt là công việc cho cấp Quản lý (Trưởng phòng) chiếm 17%; Sinh viên mới ra trường chiếm 8% và Giám đốc chiếm 3%. Về nguồn cung lao động, ứng viên có kinh nghiệm chiếm 73%; cấp Trưởng phòng chiếm 18%; Sinh viên mới ra trường chiếm 6% và Giám đốc chiếm 3%. Như vậy, ngay cả đối với các ngành nghề ít có nhu cầu tuyển dụng hơn, nhân sự có kinh nghiệm vẫn có cơ hội việc làm rất cao.
Theo TS. Vũ Xuân Hùng- Nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), trong bối cảnh các ngành nghề đào tạo rất cạnh tranh hiện nay, tình trạng thừa nhân lực sẽ khó tránh khỏi, nhất là trong chục năm tới.
Dẫn số liệu trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II/2018 với hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, TS. Hùng khuyến cáo người học cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ các ngành nghề trước khi đăng ký học. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cuối trung học cơ sở để đảm bảo các em có được hành trang thông tin nghề nghiệp tốt nhất trước khi lựa chọn nghề để tránh rủi ro sau này.
NGUYỄN LỘC