Kết quả kiểm toán giúp đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin về quyết toán ngân sách
Kiểm toán - Ngày đăng : 18:13, 05/06/2024
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 05/6, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đánh giá: Thời gian qua, KTNN đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm. Kết quả và kiến nghị kiểm toán đã giúp đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin về quyết toán NSNN để xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN do Chính phủ trình.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN đã và đang có giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, KTNN phấn đấu đến năm 2030 thực hiện kiểm toán 100% báo cáo quyết toán NSNN của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.
Quy trình đối với các Bộ, ngành, địa phương (đơn vị dự toán cấp 1), sau khi đơn vị có báo cáo quyết toán, Bộ Tài chính tiến hành thẩm định, sau đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, KTNN cũng đã theo dõi việc các bộ, ngành thực hiện ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, từ đó góp phần nâng cao chất lượng báo cáo quyết toán NSNN.
Đối với các địa phương, sau khi lập xong báo cáo quyết toán, KTNN tiến hành kiểm toán và ý kiến của KTNN phải được thực hiện, điều chỉnh trước khi HĐND thông qua. Sau khi có báo cáo tổng quyết toán, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán báo cáo tổng quyết toán NSNN hằng năm. Bộ Tài chính là cơ quan tổng hợp và phối hợp với một số bộ, ngành lớn có liên quan như bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. KTNN cũng tiến hành theo dõi, đôn đốc xem việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, KTNN sẽ tập trung kiện toàn về cơ chế chính sách; nâng cao năng lực trình độ của kiểm toán viên. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết.
Quyết toán NSNN gồm cấp ngân sách địa phương và ngân sách trung ương. Trong đó, ngân sách trung ương gồm có các bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ tập hợp quyết toán của các bộ, ngành. Trong quá trình thực hiện dự toán được giao đối với các bộ, ngành, Vụ Hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính sẽ thẩm tra báo cáo kiểm toán dựa trên báo cáo tổng hợp mà các bộ, ngành gửi đến.
Đối với các địa phương, việc thực hiện quyết toán do HĐND các địa phương (thông qua Ban kinh tế, ngân sách của HĐND) thẩm tra báo cáo quyết toán của UBND tỉnh. Sau khi HĐND biểu quyết, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp lại. Trong quá trình thực hiện quản lý NSNN, Bộ Tài chính giám sát, thanh tra một số tổ chức, đơn vị để cảnh báo và quản lý ngân sách một cách hiệu quả hơn.Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc