Đàm phán FTA mới với các thị trường tiềm năng của Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 12:39, 05/06/2024
Chia sẻ băn khoăn với đại biểu Nhị Hà (đại biểu Quốc hội của Đoàn Hà Nội) về việc Bộ Công Thương đang đàm phán 3 FTA với các thị trường trong khu vực châu Á, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, nếu so với các nước này thì chúng ta tương đồng về lao động, về thị trường và trình độ công nghệ nhưng xét về hình thức thì các thị trường này không có tính bổ trợ cao cho nền kinh tế của Việt Nam giống như Hoa Kỳ và EU hay là một số đối tác khác.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý ngành và thực tế công tác quản lý thị trường và hội nhập quốc tế thì chúng tôi đưa ra khuyến cáo dựa trên mấy cơ sở như sau.
Thứ nhất là thị trường này có tiềm năng, quy mô dân số rất lớn, gần 2 tỷ người tiêu dùng, trong đó khoảng 500 - 600 triệu người có thu nhập trung bình cao. Đây là khách hàng tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam.
Thứ hai là các nước này qua nhiều năm đều thuộc nhóm nước áp dụng hình thức hạn chế hàng nước ngoài thâm nhập. Cho nên nếu Việt Nam thâm nhập được vào thị trường này thì chúng ta có cơ hội thị trường tương đối lớn để tiêu thụ hàng hóa.
Thứ ba là tiêu chuẩn hàng hóa thâm nhập vào thị trường này không quá khắt khe. Điều đó cũng rất phù hợp với hàng hóa sản xuất từ Việt Nam. Thực tế năm 2023, chúng ta đã xuất vào các thị trường này trên 10 tỷ USD - đây cũng là con số không nhỏ, nếu tăng trưởng xuất khẩu thêm nữa thì tôi nghĩ rằng rất đáng để khai thác thị trường này.
Thứ tư là các nước này thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, phần nhiều diện tích là núi đồi, có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng nông sản và hoa quả nhiệt đới. Đây đều là những nhóm hàng mà Việt Nam có thế mạnh và mặt khác, xét về khoảng cách địa lý thì không xa, cho nên chi phí logistics cũng là hợp lý, có thể cạnh tranh với các nước khác, thậm chí là cạnh tranh cả với hàng nội địa.
Thứ năm là các nước này đều có quan hệ chính trị ngoại giao rất tốt với chúng ta, kể cả trong quá khứ, hiện tại, cho nên tạo khuôn khổ quan hệ trong kinh tế, thương mại và đầu tư rất tốt.
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới để khai thác tốt hơn các FTA, Bộ trưởng Nguyễn Hông Diên cho biết, thứ nhất, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp.
Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng.
Thứ ba là đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường.
Thứ tư là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, cập nhật thông tin thị trường để có những phản ứng phù hợp.
Thứ năm là hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo và bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ phòng vệ thương mại./.