Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn trước Quốc hội: Rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề
Kiểm toán - Ngày đăng : 05:51, 06/06/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tổng Kiểm toán nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề, trả lời thuyết phục
Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Tổng Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra.
Hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị; có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật. Kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN tăng liên tục qua từng năm, thu nộp về NSNN với số tiền khá lớn. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được KTNN triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán từng bước được khắc phục.
Đề nghị Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành liên quan có giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm: Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh): Tôi rất hài lòng với phần trả lời của Tổng Kiểm toán nhà nước
Tổng Kiểm toán nhà nước là một trong những vị Trưởng ngành trả lời chất vấn mà tôi ưng ý nhất. Nội dung trả lời rất đầy đủ, rõ thông tin, tập trung vào những câu hỏi đại biểu Quốc hội đặt ra, đáp ứng được nội dung cũng như mong muốn của đại biểu gửi đến Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tôi cũng đã đặt câu hỏi chất vấn và rất hài lòng với phần trả lời của Tổng Kiểm toán nhà nước. Tôi mong rằng, KTNN sẽ phát huy vai trò của mình, nhất là làm sao để các đơn vị họ sẵn sàng đón nhận các Đoàn kiểm toán, giúp các đơn vị chỉ ra những sai sót, từ đó ngăn ngừa vi phạm, không chỉ là chống mà phòng ngừa mới là quan trọng nhất.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định): Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời thẳng vấn đề, không vòng vo, đúng thực tế
KTNN đã chuẩn bị tài liệu, báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội rất đầy đủ. Phần trả lời của Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đi thẳng vấn đề, không vòng vo. Cách làm như vậy đã đem lại chất lượng cho Phiên chất vấn.
Trong Phiên chất vấn, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Tổng Kiểm toán nhà nước là trách nhiệm của KTNN về tình trạng các doanh nghiệp, dự án sau kiểm toán nhưng vẫn để xảy ra sai phạm. Thực tế, KTNN thực hiện kiểm toán theo một danh mục kiểm toán đã được xác định ngay từ đầu năm và có thông báo trước. Vì vậy, những đơn vị vừa rồi có những vi phạm thì phải tiến hành thanh tra, điều tra. Đó là vấn đề hoàn toàn khách quan mà Tổng Kiểm toán nhà nước đã trả lời đúng với thực tế.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc dự báo của các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán về tình hình làm ăn của các đơn vị này cũng phải sớm hơn để đưa vào kế hoạch hàng năm. Điều đó sẽ giúp tham mưu, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng xảy ra, đồng thời kịp thời xử lý những đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công trong quá trình thực hiện dự án của mình. Điều này có nghĩa, các cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan điều tra khác phải có sự phối hợp để thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn.
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang): KTNN không phải là cơ quan đi chuyên sâu vào các vụ việc cụ thể như thanh tra, điều tra
Tôi cho rằng, phần trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước rất rõ ràng, đi thẳng vấn đề. Thực tế, như Tổng Kiểm toán nhà nước đã trả lời, việc kiểm toán các doanh nghiệp mà sau này vẫn còn có sai phạm, nó xuất phát từ đặc trưng chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Theo Luật KTNN, KTNN có chức năng kiểm toán để đánh giá, xác nhận kết luận và kiến nghị kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bên cạnh đó, KTNN thực hiện kiểm toán với mục tiêu xác nhận tính trung thực, hợp lý của thông tin báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, kiểm toán đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đánh giá để xác định tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Việc kiểm toán cũng căn cứ theo hồ sơ, tài liệu, chứng từ do các đơn vị được kiểm toán cung cấp. Chính vì vậy, KTNN không phải là cơ quan đi chuyên sâu vào các vụ việc cụ thể như thanh tra, điều tra. Đó cũng là một trong những vấn đề mà khi KTNN đã kiểm toán nhưng các cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra vào làm rõ theo vụ việc thì lại phát hiện ra những sai phạm.
Vừa rồi, Luật KTNN sửa đổi, bổ sung năm 2019 và Luật Phòng, chống tham nhũng có giao nhiệm vụ cho KTNN thực hiện kiểm toán phòng, chống tham nhũng. Năm 2023, KTNN đã có hướng dẫn để thực hiện quy trình kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, quy định của Luật thì giao nhiệm vụ nhưng các điều kiện để tổ chức thực hiện kiểm toán phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế; muốn khắc phục thì phải hoàn thiện để sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương): Giảm thiểu yếu tố ngoại trừ, bảo đảm đầy đủ căn cứ, cơ sở khi đưa ra ý kiến
Tôi thấy rằng, nhiều đại biểu đang chưa hiểu rõ về bản chất giữa kiểm toán độc lập và KTNN. Với trách nhiệm là Tổng Kiểm toán nhà nước, đồng chí Ngô Văn Tuấn đã trả lời rất rõ, mạch lạc về các căn cứ pháp lý để KTNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong kiểm toán tài chính công, tài sản công. Tôi cho rằng, phiên chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước đã diễn biến rất sôi nổi, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời rất mạch lạc đối với các vấn đề.
Hiện nay, có 2 vấn đề: Thứ nhất, có tình trạng một số kết luận, kiến nghị kiểm toán sau khi được ban hành nhưng vẫn không thể thực hiện, hoặc vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, hoặc vướng mắc chính sách pháp luật. Thứ hai, kiểm toán có yếu tố ngoại trừ và có xác định trọng yếu. Đây là một trong những vấn đề KTNN chắc chắn sẽ phải trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi thì mới khắc phục được trong thời gian tới. Việc một số dự án, sau khi kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm, thì ở góc nhìn nào đó, những nội dung này nằm trong yếu tố ngoại trừ.
Thời gian tới, tôi nghĩ rằng, KTNN sẽ trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, đặc biệt là sửa những văn bản hướng dẫn, quy định có liên quan để làm rõ, giảm thiểu yếu tố ngoại trừ, phải đầy đủ các căn cứ, các cơ sở khi đưa ra ý kiến kiểm toán. Điều này đồng nghĩa, KTNN phải tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các kết luận, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện của các đối tượng được kiểm toán. Như vậy, chất lượng kiểm toán cũng sẽ được nâng lên, tránh được việc sau kiểm toán vẫn xảy ra sai phạm./.