Không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng

Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 06/06/2024

(BKTO) - Khẳng định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, toàn Ngành đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm qua kiểm toán, cũng như chủ động kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tiêu cực từ chính nội bộ Ngành, không có “vùng cấm”.
kien-nghi-1.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: ST

Phòng ngừa, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 05/6, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là vai trò của KTNN trong công tác PCTNTC. Trả lời chất vấn của các đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Luật KTNN và Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN luôn xác định PCTNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kiểm toán.

Với chức năng, nhiệm vụ PCTNTC thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện kịp thời sai phạm về tài chính, có kiến nghị giúp tăng thu, giảm chi, góp phần tăng hiệu quả, giảm thất thoát tài chính công, tài sản công; đồng thời có kiến nghị sửa đổi kịp thời những bất cập của cơ chế, chính sách, “vá” lỗ hổng, chống thất thoát, lãng phí. Đăc biệt, KTNN cũng cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan chức năng để kịp thời đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong 5 năm qua (2019-2023), KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan điều tra.

Nhấn mạnh với phương châm rất thận trọng, phải “chín”, phải rõ thì mới chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết điều đó không có nghĩa vai trò về PCTNTC của cơ quan KTNN hạn chế đi, vì một trong những nhiệm vụ mà ngành KTNN hết sức coi trọng đó là phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

quang-canh.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: ST

Trong 5 năm qua, KTNN cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Đây là những tài liệu “đầu vào” để giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, đối tượng tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, với quyết tâm nỗ lực PCTNTC cao của toàn Ngành và trước kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhận thấy, việc chủ động chuyển 19 vụ việc trong tổng số 1.609 hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu là còn ít và đây là hạn chế trong thời gian qua.

Đề xuất giải pháp để khắc phục hạn chế này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, KTNN sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp tài liệu đầy đủ hơn cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra; đồng thời gắn với việc theo dõi, đôn đốc, cũng như nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để phát hiện của KTNN rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

KTNN cũng sẽ áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, kịp thời phát hiện các sai phạm và thu thập bằng chứng để chuyển cho cơ quan điều tra. Quan điểm của KTNN là trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán.

Đặc biệt, KTNN sẽ tăng cường thực hiện Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN, trên cơ sở cụ thể hóa Điều 87 Luật Phòng, chống tham nhũng: “KTNN có trách nhiệm kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật”. “Trên cơ sở đó, KTNN cũng đã tiến hành thực hiện kiểm toán 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC” - Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

Không có “vùng cấm”…

Trong suốt 30 năm qua, KTNN luôn giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”. KTNN thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về PCTNTC. Đặc biệt, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, KTNN xác định trên hết, trước hết là phải làm tốt công tác PCTNTC từ chính nội bộ KTNN không có “vùng cấm”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTNTC từ nội Ngành, KTNN đã nghiêm túc đề ra và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật về PCTNTC, đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đối với công tác PCTNTC.

Thứ hai, KTNN đã cơ bản thể chế hóa, đồng bộ quy định của Đảng, Nhà nước về PCTNTC vào hoạt động của KTNN; xây dựng mới, sửa đổi hệ thống các quy định để phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị, như: Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử Kiểm toán viên nhà nước; các quy trình kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán… Riêng năm 2022, KTNN đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời đảm bảo PCTNTC trong hoạt động kiểm toán.

Thứ ba, KTNN tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, lòng tự trọng nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán.

Thứ tư, KTNN tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, đột xuất; trong đó tập trung thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm tra, xác minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ; kiểm soát chất lượng kiểm toán, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán...

Thứ năm, KTNN cũng đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định PCTNTC đối với các đơn vị trực thuộc, các đoàn kiểm toán, đảm bảo không để xảy ra bất cứ hành vi tiêu cực nào trong thực thi công vụ.

Thứ sáu, KTNN kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị, KTNN luôn quan tâm đến việc luân chuyển, điều động cán bộ giữa các khu vực, các đơn vị, từ đó giúp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực./.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “đánh chuột không vỡ bình”

Để tiếp tục đẩy mạnh PCTNTC mà không làm giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói là làm sao để “đánh chuột không vỡ bình” thì cần phải làm tốt ba việc. Một là, phải xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để công chức “không thể” tham nhũng. Hai là, phải xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để công chức “không dám” tham nhũng. Ba là, xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để công chức “không muốn” và “không cần” tham nhũng. Song song với đó, để hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, yếu tố quan trọng nhất là cần phải hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công chức; đi đôi với đó là cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, làm sao lượng hóa được công tác đánh giá cán bộ để thuận lợi cho việc sử dụng cán bộ.

NGUYỄN LỘC - DIỆU THIỆN