Hoàn thiện chính sách để “gỡ vướng” trong thực thi kiến nghị kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:01, 06/06/2024

(BKTO) - Dù tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng cao, song để giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng, chậm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, thì một trong những giải pháp căn cơ là phải hoàn thiện hệ thống chính sách, trong đó có việc sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các luật có liên quan. Vấn đề này đã được Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
kien-nghi-1.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: ST

Hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện

Dẫn số liệu từ báo cáo của KTNN, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH Tuyên Quang) quan tâm đến số tiền kiến nghị chưa thu được do nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tới 59,46%. Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) đề cập đến con số hơn 24% kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện do bên thứ ba và đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán.

Đáng chú ý, theo đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH Hà Giang), KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với 270 nội dung văn bản. Tuy nhiên, các đơn vị mới thực hiện 98 nội dung văn bản, tỷ lệ thực hiện kiến nghị thấp. “Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ thêm về vấn đề này, đâu là nguyên nhân chính và giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị kiểm toán đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách?” - đại biểu Vương Thị Hương đặt câu hỏi.

Giai đoạn 2019-2023, KTNN kiến nghị sửa đổi 1.069 văn bản. Hiện nay, tỷ lệ sửa đổi được khoảng 31,6%. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 74/2022/QH15 thì tiến độ sửa chữa văn bản cũng đẩy nhanh hơn. Riêng năm 2023, có 98/270 văn bản đã được sửa đổi, đạt 36%, cao hơn bình quân của 5 năm gần đây.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiến toán đã được các cơ quan hết sức quan tâm, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê của KTNN, vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được triển khai thực hiện.

“Có 4 nhóm nguyên nhân dẫn đến kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện; trong đó nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%, nhóm nguyên nhân thuộc bên thứ ba chiếm 24%, nhóm nguyên nhân khác chiếm 16% và nhóm nguyên nhân của KTNN chiếm 0,4%” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thông tin.

Đối với nhóm nguyên nhân thuộc các đơn vị được kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ: Việc chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán trước hết thuộc ý thức, trách nhiệm đơn vị chưa tổ chức triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân khách quan, do đơn vị khó khăn về tài chính, đơn vị đợi hướng dẫn của cấp trên; thậm chí có những đơn vị được kiến nghị đã giải thể, phá sản nhưng vẫn phải theo dõi.

Giải pháp căn cơ nhất, đấy là chúng ta phải thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Đồng tình ý kiến của ĐBQH việc thực hiện kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách trong thời gian vừa qua còn chậm so với yêu cầu, Tổng Kiểm toán nhà nước lý giải, ngoài nguyên nhân chủ quan thì còn có nguyên nhân khách quan, do việc tiến hành sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật cần có thời gian, xuất phát từ hệ thống pháp luật. Khi Quốc hội ban hành luật, nghị quyết thì cần có nghị định quy định chi tiết; khi có nghị định quy định chi tiết thì cần có thông tư hướng dẫn.

“Nếu bất cập chỉ ở tầm thông tư mà không liên quan đến nghị định thì thời gian sửa đổi nhanh hơn, nhưng còn vướng nghị định thì cần thời gian sửa nghị định và vướng ở luật thì cần thời gian sửa luật” - Tổng Kiểm toán nhà nước nói, đồng thời khẳng định: “Thời gian tới, với trách nhiệm của mình, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện chức năng phát hiện những kẽ hở, những bất cập để kiến nghị sửa đổi và đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách”.

Sửa Luật Kiểm toán nhà nước để “gỡ vướng”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) và đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) về các giải pháp để nâng cao kết luận, kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, dưới góc độ Ngành, KTNN sẽ quyết tâm, quyết liệt để nâng cao kết luận, kiến nghị kiểm toán, làm sao kiến nghị thật đúng, thật trúng để đơn vị thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, KTNN sẽ tăng cường đôn đốc, công khai về các đơn vị chưa thực hiện. “Chúng tôi đã công khai đầy đủ tất cả danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trên website của KTNN” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ; đồng thời khẳng định, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan. Riêng với đơn vị được kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị phải phát huy vai trò của người đứng đầu. “Ở đâu những người đứng đầu có quan tâm, có quyết tâm, thì ở đấy tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sẽ đạt như mong muốn” - Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ.

Song song với đó, KTNN sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. “Để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán thì cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các Đoàn kiểm toán để đưa ra những kết luận, kiến nghị kiểm toán thật chính xác” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nói.

Đối với kiến nghị kiểm toán đến nay vẫn chưa thực hiện được do đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản, thể nhân về hưu, chết hoặc mất tích, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Đây là một trong những tồn tại, hạn chế của Luật KTNN mà KTNN đang tiến hành rà soát, tổng kết để sửa đổi.

“Chúng tôi đang tiến hành rà soát Luật KTNN và 33 luật có liên quan. Đối với các trường hợp trên, việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách, thuế, phí, Luật Quản lý thuế đã có quy định nhưng Luật KTNN chưa có. Vì vậy, sắp tới, chúng tôi sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật KTNN, trong đó sẽ có một điều quy định cụ thể thế nào là đã thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung, sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế này” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh./.

SONG HỒNG