Góp phần xây dựng Kiểm toán nhà nước ngày càng chuyên nghiệp và vững mạnh
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:03, 06/06/2024
Là người từng đảm nhiệm vai trò Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, trong thời gian đó, ông nhận thấy nội dung tham mưu nào của Vụ mang lại chuyển biến lớn nhất trong toàn Ngành, thưa ông?
Sau 18 năm thành lập, Vụ Tổng hợp đã khẳng định được vị trí, vai trò là đơn vị tham mưu chủ lực của KTNN, luôn hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tôi làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, chúng tôi thường xuyên tham gia thảo luận về việc xây dựng và điều chỉnh các quy định, hướng dẫn kiểm toán. Chúng tôi phải đưa ra đề xuất, phản biện và đánh giá các chính sách và quy định mới, từ việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế đến việc điều chỉnh quy trình, hình thức và nội dung báo cáo kiểm toán. Nổi bật hơn cả là việc chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quy trình lập, thẩm định, ban hành Kế hoạch kiểm toán (KHKT) hằng năm và trung hạn. Trong đó, hướng dẫn cụ thể các tiêu chí để lựa chọn chủ đề, đối tượng kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Qua đó, một mặt giúp các đơn vị xác định trúng, đúng các vấn đề kiểm toán đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và các vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội như: Kiểm toán chuyên đề các dự án BOT, quản lý sử dụng đất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Mặt khác, việc lập KHKT đã giảm thiểu chồng chéo với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác và giữa các đơn vị trong Ngành. Từ đó, hiệu quả kiểm toán được nâng lên, tiến độ phát hành báo cáo kịp thời hơn, chất lượng báo cáo kiểm toán đảm bảo, được nhiều đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sử dụng cho việc giám sát.
Từ đó có thể nhận thấy, tổ chức nghiên cứu, tham gia xây dựng và ban hành chính sách, giám sát quá trình triển khai áp dụng vào thực tế là một phần quan trọng của chức năng tham mưu của Vụ Tổng hợp và là một phần không thể tách rời trong sự nghiệp của tôi. Đó là cơ hội để chúng tôi góp phần vào việc xây dựng KTNN ngày càng chuyên nghiệp và vững mạnh.
Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm, dấu ấn khó quên trong thời gian ông là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp?
Tôi có thời gian công tác tại KTNN tính đến nay đã gần 28 năm, đó là quãng thời gian đủ dài trong cuộc đời của một công chức nhà nước. Trong suốt 28 năm qua, trong tôi có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ, vui có, buồn có. Đó là những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng nghiệp; kỷ niệm về các sự kiện trọng đại của Ngành, của đơn vị. Mỗi kỷ niệm là mỗi mảnh ghép đáng trân quý trong cuộc đời tôi và trong đó, những kỷ niệm khi xử lý công việc hằng ngày tại Vụ Tổng hợp là những kỷ niệm rất đẹp và sâu sắc. Với khối lượng công việc nhiều, đa dạng và phức tạp, nhưng bằng sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần trách nhiệm cao, tập thể cán bộ, công chức Vụ Tổng hợp đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp chung vào thành tích của KTNN. Đặc biệt, ấn tượng nhất trong tôi là các đồng nghiệp ở Vụ đều có tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp và hăng say. Chính vì lẽ đó, tôi đã thực sự bị sức hút của công việc và lĩnh hội được rất nhiều khi công tác tại Vụ Tổng hợp.
Trong thời gian tôi làm Vụ trưởng, một kỷ niệm đáng nhớ là tổ chức họp báo công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 và Báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2015. Lúc đó, tôi vừa được bổ nhiệm làm Vụ trưởng và lần đầu tiên được Tổng Kiểm toán nhà nước giao chuẩn bị cuộc họp báo; đồng thời giao đọc báo cáo và trả lời các câu hỏi của phóng viên, trong thâm tâm cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo KTNN và sự chia sẻ của đồng nghiệp trong cơ quan, tôi cùng với anh em trong Vụ lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu họp báo, phối hợp với Văn phòng chuẩn bị hội trường, khách mời… rất kỹ lưỡng. Cuộc họp báo diễn ra thành công như mong đợi, không có sai sót và đáp ứng đầy đủ thông tin cho các phóng viên báo, đài.
Một kỷ niệm khác mà tôi không thể quên là khi chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo KTNN về việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán đối với Doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài Unilever do khai thiếu thuế 882 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã khiếu nại lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính… và cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề KTNN có kiến nghị đúng hay không? Tuy nhiên, qua công tác tham mưu của Vụ Tổng hợp và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo KTNN, cuối cùng, doanh nghiệp đã phải chấp thuận theo kiến nghị của KTNN. Bài học rút ra trong công tác tham mưu từ vụ việc này là cần phải có sự nghiên cứu sâu rộng, phân tích kỹ lưỡng và thảo luận cởi mở với các bên liên quan, từ các đơn vị được kiểm toán đến các Bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước để nhận được sự đồng thuận.
Theo ông, các thế hệ lãnh đạo Vụ Tổng hợp cần lưu ý điều gì để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đóng góp nhiều hơn cho chất lượng điều hành của lãnh đạo KTNN?
Tôi luôn nhận thức rằng, khoảng thời gian 30 năm thành lập KTNN là một chặng đường lịch sử không quá dài, có những người đến và đi để đảm nhận các vị trí, công việc khác nhau, với tư cách từng là lãnh đạo Vụ Tổng hợp, tôi muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu và đóng góp nhiều hơn với Ngành một số điểm sau:
Một là, cần có sự linh hoạt và sáng tạo trong quản lý, điều hành công việc, nhất là công tác tham mưu. Để có thể tham mưu hiệu quả và khách quan, lãnh đạo Vụ Tổng hợp ngoài việc có kiến thức sâu sắc về Ngành thì phải linh hoạt và sáng tạo trong việc đề xuất và triển khai các giải pháp mới và hiệu quả.
Hai là, cần tăng cường sự hợp tác và chia sẻ. Các thế hệ lãnh đạo Vụ Tổng hợp cần phải tăng cường hợp tác, chia sẻ và phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức và cá nhân trong và ngoài Ngành để các ý kiến tham mưu đáng tin cậy và khách quan, nhất là phải luôn lắng nghe chia sẻ và tôn trọng các quan điểm, ý kiến khác nhau.
Ba là, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Vụ Tổng hợp phải luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng KHKT năm và trung hạn, công tác thẩm định KHKT, báo cáo kiểm toán, trả lời kiến nghị kiểm toán; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua việc cử công chức tham gia các đoàn kiểm toán để tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm thực tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò tham mưu, tổng hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán.
Cuối cùng, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và định hướng tư tưởng cho đảng viên, kiểm toán viên; tập trung phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Tóm lại, để làm tốt hơn công tác tham mưu và đóng góp nhiều hơn cho chất lượng điều hành của lãnh đạo KTNN, các thế hệ lãnh đạo Vụ Tổng hợp cần phải có kiến thức sâu sắc về Ngành, linh hoạt và sáng tạo trong suy nghĩ, tăng cường hợp tác, phối hợp và chia sẻ, đầu tư vào đào tạo và phát triển năng lực, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.