Kinh tế phục hồi, thu ngân sách tăng
Kinh tế - Ngày đăng : 15:27, 06/06/2024
Kinh tế phục hồi, thu nội địa tăng gần 17%
Lũy kế 5 tháng, thu NSNN ước đạt 898.400 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 56,5% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 49,1% dự toán). Trong đó, thu nội địa ước đạt 757.500 tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt gần 116.200 tỷ đồng, bằng 57% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023; trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 164.700 tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán, tăng 6,8% so với cùng kỳ, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 48.500 tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán.
Trong số thu nội địa, các khoản thu từ nhà, đất ước đạt 90.600 tỷ đồng, bằng 35,2% so với dự toán, tăng 78,2% so với cùng kỳ. Số thu tăng chủ yếu do các địa phương đã tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm 2024, một số địa phương phát sinh thu tiền thuê đất một lần của một số dự án...
Đáng chú ý, thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán thu nội địa) ước đạt 54,1% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do các doanh nghiệp đã tạm nộp 3/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2024 (gồm: Kỳ quý IV/2023, kỳ quyết toán năm 2023, kỳ quý I/2024); thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 55% dự toán, tăng 13,9%; thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 43,6% dự toán, tăng 20,3%. Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 62,3% dự toán, nhưng giảm 5,5% so với cùng kỳ...
Theo nhận định của Bộ Tài chính, số thu nội địa đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ chủ yếu do nền kinh tế phục hồi (tăng trưởng quý I đạt 5,66%, cùng kỳ năm 2023 đạt 3,41%). Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí tác động tích cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp và số thu nộp NSNN; thu tiền sử dụng đất tiếp tục được cải thiện… Tổng số tiền đã miễn, giảm ước tính đến hết tháng 5 khoảng 38.900 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan thuế đã tăng cường công tác thu, chống thất thu, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Ước tính đến hết tháng 5 đã xử lý, thu hồi được 37.100 tỷ đồng nợ đọng thuế...
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch hàng hóa có thuế tính đến ngày 15/5 đạt khoảng 53,2 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chịu thuế tăng 16,3% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 18,4%, góp phần làm tăng thu nguồn thu NSNN.
Cần khẩn trương thực hiện lộ trình tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng ít nhất là 1 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục để tăng hiệu quả kích cầu; ngân hàng thương mại cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn
(Đoàn Hải Dương)
Mặc dù có số thu đạt cao nhưng diễn biến tốc độ thu từ tháng 01 đến tháng 5 có dấu hiệu giảm. Điều này phản ánh những khó khăn nhất định của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành
Tháng 5/2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 5/2022 Việt Nam nhập siêu 455 triệu USD. Nhờ đó, số thu ngân sách của ngành hải quan trong tháng 5/2024 đạt 38.990 tỷ đồng, tăng 11,3% so với tháng 4. Hơn nữa, tổng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước tăng 7,8%; hoàn thuế GTGT theo chế độ khoảng 48.500 tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán. Thế nhưng, việc tăng này là theo chu kỳ hằng năm. Theo đó, tháng 4, tháng 5 kim ngạch xuất nhập khẩu tăng dẫn tới số thu tăng, đến tháng 6 và 7 chững lại; đến tháng 8 và 9 thì giảm và đến cuối năm lại tăng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng
Cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 5 tháng, có 98.800 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi chỉ có 97.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn số doanh nghiệp rút lui, song hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Chính phủ sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tại một số địa phương trọng điểm tăng chậm. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, thiếu nước. Khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp còn hạn chế... Trong các chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: Chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát để tiếp tục điều hành hài hòa, đồng bộ, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho rằng, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong bối cảnh tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng rất chậm, cần có “cú huých mạnh” cho kích cầu tiêu dùng. Cần khẩn trương thực hiện lộ trình tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) ít nhất là 1 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục để tăng hiệu quả kích cầu; ngân hàng thương mại cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp.
Để kích cầu tiêu dùng, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình), Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết, một bộ phận doanh nghiệp “ngấm” chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có sự hồi phục, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Trong bối cảnh doanh nghiệp phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn các giải pháp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là chính sách thuế. Hỗ trợ về thuế là cách trực tiếp, nhanh nhất, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng sử dụng. Đồng thời, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thủ tục hành chính.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT từ tháng 7 đến cuối năm 2024 hết sức cần thiết đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2024. Bộ đang hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định về gia hạn thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 với quy mô dự kiến khoảng 84.000 tỷ đồng; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 8.560 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước./.