Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực, giàu tiềm năng
Kinh tế - Ngày đăng : 15:28, 06/06/2024
Xuất khẩu nông sản là “điểm sáng”
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tăng trưởng đáng chú ý có mặt hàng gạo, rau quả... Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm của cả nước đạt gần 4,2 triệu tấn gạo, mang lại kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của nhóm ngành rau quả sau khi xác lập kỷ lục trong quý I/2024 đã tiếp tục duy trì tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch tháng 5 ước đạt 665 triệu USD, tăng 10,3% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự đoán của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khả năng năm 2024, Việt Nam có thể xuất khẩu từ 7,5-8 triệu tấn gạo. Tín hiệu đáng mừng khi tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động xuất khẩu gạo liên tục tăng trưởng ở mức cao. Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang được đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường Philippines - quốc gia nhập khẩu gạo từ Việt Nam chiếm hơn 80% thị phần. Tính riêng từ đầu năm tới nay, sản lượng tiêu thụ gạo Việt Nam của Philippines đã lên tới 1 triệu tấn và cả năm có thể vượt 4 triệu tấn.
Phân tích bối cảnh vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, trong đó có mặt hàng gạo và rau củ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo đồng bộ, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo, rau quả nói riêng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Sự hỗ trợ còn đến từ phía các hiệp hội ngành hàng khi phát huy vai trò giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản. Các doanh nghiệp vừa tập trung khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, vừa khai mở được thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng; thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã tiếp cận tốt hơn và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Để khơi thông thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với hàng gạo, rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng gạo và rau quả để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Nâng cao chất lượng, hướng đến xuất khẩu bền vững
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu thực tế, hiện nay, nước ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Đó là hệ quả của việc thiếu sự liên kết, chỉ khi có sự hợp tác, kết nối của hiệp hội ngành hàng, giữa các doanh nghiệp với nhau thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường quốc tế.
Yếu tố thuận lợi được các chuyên gia chỉ ra là nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn, vì nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Nhưng yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ càng cao, nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các khu vực, phân khúc thị trường mới tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng.
Khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu thêm giải pháp, cần tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường, nước nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại.
Cùng với đó, Bộ Công Thương xác định phải chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản xuất và quản trị doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch; tư vấn cho các địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo các phương thức hiện đại, bảo đảm chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu./.