Doanh nghiệp “thiệt đơn, thiệt kép” vì vấn nạn hàng giả
Kinh tế - Ngày đăng : 15:28, 06/06/2024
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây nhiều hệ lụy tiêu cực
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, cùng với xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn của nhiều thương hiệu, sản phẩm trong và ngoài nước. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như giúp cho thị trường phát triển đa dạng, phong phú các sản phẩm, hàng hóa, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra hết sức phức tạp. Theo đó, ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại, làm giả, làm nhái những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, những mặt hàng tiêu dùng... cũng có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn. Theo ông Nghĩa, thực trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, như: Ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN làm ăn chân chính; đồng thời, gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Từ góc độ DN, ông Ngô Tấn - Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Nhật - cho biết, sản phẩm là cả sự nghiệp mà DN mất rất nhiều công sức, nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển, nhưng khi DN đưa ra thị trường sản phẩm mới thì chỉ sau một thời gian ngắn sản phẩm đã bị làm giả tràn lan, với giá bán rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng, khiến DN không thể cạnh tranh được. Đặc biệt, sản phẩm làm giả, làm nhái thường có chất lượng kém hơn; trong khi đó, người tiêu dùng thường khó có thể phân biệt được sản phẩm thật - giả sẽ đánh giá sai về chất lượng sản phẩm của DN, từ đó ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của DN, thậm chí có thể khiến DN đi đến bờ vực phá sản.
Là một trong những DN có sản phẩm bị làm giả, làm nhái trên thị trường, Đại tá Chu Việt Sơn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hóa chất 21 - chia sẻ, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm quốc phòng trang bị cho quân đội, đơn vị còn sản xuất một số mặt hàng phục vụ nền kinh tế quốc dân, trong đó có mặt hàng pháo hoa. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép người dân được sử dụng các sản phẩm pháo hoa chính hãng, an toàn, được Công ty nghiên cứu và sản xuất. Lợi dụng chính sách này, một số đối tượng đã làm giả, làm nhái sản phẩm pháo hoa của đơn vị. “Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái chất lượng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng, cá biệt có những sản phẩm hàng giả khi người dân mua về nhưng bên trong trống rỗng” - Đại tá Sơn thông tin.
Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong quý I/2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, với tổng số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng.
Cần sự chung sức của toàn xã hội
Bình luận về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết là do lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả rất lớn. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao, thậm chí vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng do tâm lý ham rẻ nên mua, sử dụng hàng lậu, hàng giả mà chưa nhận thức hết những tác hại. Bên cạnh đó, hiện nay, nền tảng thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ dẫn đến các đối tượng lợi dụng những thuận lợi của việc kinh doanh, trao đổi trực tuyến để đẩy mạnh việc buôn bán hàng giả, hàng lậu. Ngoài ra, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt, xuyên suốt; cùng với đó, sự chung sức của các DN, người tiêu dùng trong cuộc chiến phòng, chống hàng giả, hàng nhái còn hạn chế khiến vấn nạn này vẫn còn nhiều “đất sống”…
Trước thực trạng trên, đưa ra khuyến nghị giải pháp để hạn chế vấn nạn này, các chuyên gia cho rằng, về mặt khuôn khổ pháp luật, cần gia tăng chế tài xử phạt một cách nặng hơn đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm giả, làm nhái hàng hóa để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Đồng thời, bổ sung các quy định để tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.
Song song với đó, các lực lượng chức năng cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, hiệu lực các kế hoạch, các chuyên đề về chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay đối với các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân, toàn xã hội hiểu được tác hại, ảnh hưởng của tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái đến sự phát triển kinh tế cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, để từ đó người tiêu dùng “nói không” với hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu để giảm tối đa nhu cầu nhằm giảm nguồn cung, từ đó, hàng giả, hàng nhái không còn “đất sống”.
Về phía DN, theo ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN, VCCI, các DN cũng cần tích cực, chủ động hơn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, thông qua việc cung cấp kịp thời thông tin về các sản phẩm của DN bị làm giả trên thị trường; cung cấp thông tin về địa điểm kho hàng, bến bãi tập kết hàng giả, hàng nhái nếu phát hiện được... Đặc biệt, DN cũng cần chủ động tìm giải pháp để ứng phó với vấn nạn này; trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả đang được cơ quan chức năng khuyến cáo, cũng như nhiều DN đã thực hiện đó là áp dụng giải pháp truy suất nguồn gốc hàng hóa. “Không DN nào muốn sản phẩm, dịch vụ của mình bị khách hàng hiểu nhầm, không phân biệt được với các sản phẩm giả mạo, sản phẩm kém chất lượng. Chính vì vậy, việc có thể giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN” - ông Huân nhấn mạnh./.