Hướng tới Net Zero: Cần “tăng tốc” trước khi bị loại khỏi cuộc chơi!
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:29, 06/06/2024
Còn nhiều việc phải làm trong “cuộc đua” Net Zero
Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ - cho biết, Việt Nam bắt đầu cam kết giảm phát thải từ khi tham gia Nghị định thư Kyoto. Hiện nay, Việt Nam đang trong “cuộc đua” hành động để tiến tới Net Zero vào năm 2050 với những tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây nhà máy điện than mới sau năm 2030...
Trên thế giới, các nước phát triển cho rằng, các quốc gia chưa đạt được mục tiêu giảm phát thải cần có sự phối hợp với các nước phát triển và đang phát triển. Từ đó, các quốc gia có cam kết về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về giảm phát thải. Hiện các nước đang triển khai 2 dạng cam kết, gồm: Cam kết tự quyết định và cam kết tự quyết định có hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã điều chỉnh NDC lần thứ 3 đề xuất giảm phát thải về 3,5% cho đến năm 2030 nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Còn tại COP 28, Việt Nam đã có kế hoạch quốc gia để huy động nguồn lực chuyển đổi theo thỏa thuận.
Báo cáo của Công ty Kiểm toán PwC cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước châu Á hoàn thành cam kết đến năm 2030. Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã có nội dung cụ thể yêu cầu doanh nghiệp kiểm kê giảm phát thải trước năm 2025. Theo PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ, Bộ, ban ngành, Chính phủ đã có những chỉ đạo để giảm phát thải trong những lĩnh vực theo cam kết, đặc biệt là năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, rác thải. Đối với trọng tâm liên quan đến báo cáo phát triển bền vững cần đi sâu chi tiết hơn. Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về phân loại rác thải tại nguồn, thu phí rác thải với nội dung người phát thải phải trả phí. Hiện, Việt Nam đang triển khai từng bước.
Tuy nhiên, PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ cũng lưu ý, hiện nay, “cuộc chơi” của thế giới đã thay đổi theo hướng chuyển sang yêu cầu về giảm phát thải, yêu cầu về đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu, gồm: Ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động đến môi trường và hạn chế giảm tổn thất liên quan đến đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - TS. Bùi Thanh Minh - cũng cho hay: “Tháng 12 vừa rồi, chúng tôi khảo sát lại 2.730 doanh nghiệp. Chúng tôi hỏi về phát triển bền vững có còn là bắt buộc hay không. Tuy nhiên, 64% doanh nghiệp Việt Nam dù nhận thức được nhưng chưa có chuẩn bị. Qua đó, chúng ta còn nhiều việc phải làm ngoài thể chế, chính sách”.
Chúng ta cần có những chương trình hội thảo để doanh nghiệp nắm được thông tin, từ đó xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh. Trong đó, doanh nghiệp cần có 3 chữ T quan trọng. Chữ T đầu tiên là tâm thế của chủ doanh nghiệp. Thứ hai là thông tin, 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách phải kiểm kê khí thải nhà kính thì chỉ có 1 doanh nghiệp nắm được thông tin này. Thứ ba là tài chính, khi chuyển đổi xanh đòi hỏi tình hình tài chính và nguồn vốn dồi dào.
TS. Bùi Thanh Minh
Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Khuyến khích doanh nghiệp báo cáo ESG
ESG gồm: Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị) - là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện môi trường, xã hội và quản trị, sẽ giữ vai trò quan trọng, đảm bảo trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Các doanh nghiệp áp dụng thành công nguyên tắc ESG không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội, mà còn góp phần nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động, thu hút đầu tư và gia tăng giá trị thương hiệu.
PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ cho biết, thời gian qua, các nước phát triển đã dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật. Đầu tiên, Việt Nam nhận “thẻ vàng” về xuất khẩu thủy, hải sản. Sau đó, các nước phát triển dựng các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 01/2026. Từ ngày 01/01/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Thêm vào đó, các nước phát triển xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa làm ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
“Doanh nghiệp Việt không chuẩn bị thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Lúc này, cần sự dũng cảm, mạnh mẽ của Việt Nam vào cuộc chơi toàn cầu. ESG là bài toán bắt buộc. Các quốc gia châu Âu đã yêu cầu các bên báo cáo phát triển bền vững. Thời gian chúng ta không còn nhiều” - PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ cảnh báo; đồng thời nhấn mạnh: Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo ESG để tăng uy tín quốc gia. Một trong những thứ doanh nghiệp cần nắm bắt được cơ hội này đó là nguyên tắc của thế giới khi giảm phát thải, giảm rác thải và suy giảm đa dạng sinh học thì thế giới tập trung vào việc gia tăng không chỉ những gì chúng ta đang có.
“Đơn cử, 43% rừng thì không phải 43% rừng tạo ra tín chỉ carbon mà cải tạo hấp thụ carbon sẽ tạo ra tín chỉ carbon. Tương tự, trong lĩnh vực năng lượng, nếu giảm phát thải trong lĩnh vực này thì sẽ tạo ra tín chỉ carbon. Trong tài chính khí hậu, tài chính xanh, giảm phát thải, giảm hiệu ứng thì sẽ nhận được hỗ trợ. Chính vì vậy, để được hỗ trợ, các đơn vị phải làm từ tiền dự án cho đến khi triển khai, kết thúc dự án. Nếu cẩn thận kiểm kê thì Việt Nam có thể bán được tín chỉ carbon, từ đó cải thiện đời sống người lao động và dân cư” - PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ dẫn chứng.
Về vấn đề này, TS. Bùi Thanh Minh khuyến nghị: “Bây giờ, người ta yêu cầu định lượng ESG. Chúng ta cần có những chương trình hội thảo để doanh nghiệp nắm được thông tin, từ đó xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh. Trong đó, doanh nghiệp cần có 3 chữ T quan trọng. Chữ T đầu tiên là tâm thế của chủ doanh nghiệp. Thứ hai là thông tin, 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách phải kiểm kê khí thải nhà kính thì chỉ có 1 doanh nghiệp nắm được thông tin này. Thứ ba là tài chính, khi chuyển đổi xanh đòi hỏi tình hình tài chính và nguồn vốn dồi dào” - TS. Bùi Thanh Minh chỉ rõ.
Chuyên gia này khẳng định, ESG phải được tích hợp trong hoạt động doanh nghiệp và khi xây dựng nhà máy phải tính toán ngay từ đầu. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ, việc bắt đầu đúng ngay từ đầu là rất quan trọng. Chúng ta phải tư duy toàn cầu nhưng hành động địa phương. Yếu tố xã hội đòi hỏi rất nhiều yếu tố đặc thù và vô cùng tinh tế./.