Sẽ khắc phục những bất cập về xuất khẩu gạo

Kinh tế - Ngày đăng : 21:17, 05/06/2024

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định 107) đã bộc lộ một số bất cập. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định này. Bộ đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 6/2024.
xkgao-baodautu.jpg
Nghị định 107 (sửa đổi) về kinh doanh xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những rào cản trong việc xuất khẩu gạo và nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Ảnh minh họa

Ngày 05/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo được Chính phủ ban hành năm 2018 đã nảy sinh nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi những nội dung nào để giải quyết các khó khăn, rào cản, nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, lấy ý kiến các đơn vị để hoàn thiện dự thảo Nghị định 107 (sửa đổi) để trình Chính phủ ban hành trong tháng 6.

Bộ trưởng cho biết, 5 vấn đề được sửa đổi.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê, hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ và chế tài xử lý cao, nhằm khắc phục tình trạng thương nhân chậm hoặc không thực hiện chế độ báo cáo.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung, quy định rõ thời gian hậu kiểm của các Sở Công Thương sau khi doanh nghiệp nhận giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Quy định này nhằm tăng trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra thủ tục pháp lý, điều kiện hoạt động đối với doanh nghiệp.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung cơ chế, phương thức phối hợp cụ thể giữa Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, hiệu quả trong thực thi chính sách.

Thứ tư, bổ sung các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với hàng lúa gạo Việt Nam. Theo đó, ban hành chương trình phát triển hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại riêng đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.

Thứ 5, bổ sung quy định rõ ủy thác xuất khẩu và nhận ủy thác xuất khẩu gạo, trong đó có thương nhân ủy thác và nhận ủy thác phải có giấy chứng nhận có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo mới được thực hiện việc này./.

MINH ANH