Cần đánh giá công bằng về đóng góp của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

Đối nội - Ngày đăng : 19:05, 13/11/2018

(BKTO) - Phát biểu làm rõ thêm đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về những đóng góp của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội sáng nay (13/11), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: đánh giá của Ủy ban Tư pháp đối với KTNN là chưa công bằng. Thực tế, thời gian qua, KTNN đã có những đóng góp rất lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng.


                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu trước Quốc hội sáng 13/11- Ảnh: Nguyễn Khánh

   
Minh chứng cho khẳng định này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: KTNN đã đóng góp vào việc ngăn chặn những sơ hở trong cơ chế, chính sách, chẳng hạn như trong thực hiện các dự án BT, BOT, về đất đai, cổ phần hóa. Đặc biệt, KTNN đã có văn bản đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước dừng không thực hiện cổ phần hóa các cảng biển và sân bay. Đây là một đóng góp rất lớn của KTNN.

Dẫn chứng tiếp theo được Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu lên là, trong ba năm gần đây, KTNN đã xử lý tài chính và thu vào ngân sách gấp hàng chục lần các năm trước. Năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 91.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu và giảm chi NSNN trên 37.000 tỷ đồng.

Trong 10 tháng năm 2018, KTNN đã cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban kiểm tra, thanh tra, cơ quan Công an và các Bộ,ngành, Ban Nội chính 103 thông báo kiểm toán. Trên cơ sở đó, các cơ quan rà soát lại trách nhiệm cũng như thực hiện giám sát, kiểm tra.

“Vụ đất 246 của Sabeco mới khởi tố gần đây là do số liệu của KTNN cung cấp cho cơ quan điều tra; vụ bảo hiểm xã hội vừa khởi tố là cũng từ báo cáo kiểm toán của KTNN chuyển sang; vụ ụ nổi của Vinaline cách đây mấy năm cũng từ kiểm toán phát hiện ra... Chúng tôi muốn đánh giá một cách hết sức công bằng để ủng hộ cho KTNN hoàn thiện chức năng của mình”- Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ những khó khăn, hạn chế đối với KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, KTNN không có chức năng điều tra, không có chức năng xác minh đối với các đơn vị tư nhân; KTNN cũng không có chức năng giám định tư pháp về mặt tài chính, trong Luật Giám định tư pháp không quy định về KTNN.

Bên cạnh đó, việc KTNN không có chức năng trong việc xác minh trả lời tố cáo cũng là một hạn chế rất lớn. Nhiều vụ việc được phát hiện qua kiểm toán ngân sách của địa phương hoặc các Bộ, ngành, KTNN phải trao đổi với cấp ủy và lãnh đạo địa phương để địa phương tổ chức thanh tra lại và xử lý. “Đề nghị các đồng chí ủng hộ để KTNN thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc sửa đổi Luật KTNN sắp tới nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của KTNN”- Tổng Kiểm toán đề nghị, đồng thời khẳng định, KTNN sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tư pháp để sắp tới tăng cường công tác chuyển cho các cơ quan điều tra khi phát hiện được dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trước đó, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực; công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị thu hồi cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm héc-ta đất; kịp thời phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít. Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Năm 2016, KTNN kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỷ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng cũng chỉ chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra (Theo số liệu của KTNN, năm 2016, KTNN kiến nghị xử lý tài chính trên 38.000 tỷ đồng, chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra; năm 2017 xử lý tài chính 91.000 tỷ đồng, chuyển 04 vụ việc sang cơ quan điều tra - PV).

Ủy ban Tư pháp đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo toàn ngành tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phát hiện được qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

N. HỒNG