Kiểm toán nhà nước là công cụ nhằm đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:40, 07/06/2024
Đây là Phiên họp được tổ chức theo sáng kiến của KTNN Liên bang Nga, với sự tham dự của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI): Belarus, Kazakhstan, Ả rập Saudi, Senegal, Việt Nam và nước chủ nhà - Liên bang Nga.
Tại Phiên họp, các SAI đã thảo luận về vai trò của kiểm toán trong hệ thống hành chính công, tác động của nó đối với người dân và sự phát triển của đất nước.
Các đại biểu cũng trao đổi các vấn đề, thách thức gặp phải khi triển khai các phương pháp kiểm toán mới, quá trình chuyển đổi của cơ quan kiểm toán tối cao; vai trò của các kiến nghị cũng như những thành tựu của cơ quan kiểm toán tối cao trong việc xây dựng hệ thống hành chính công hiệu quả và phát triển bền vững quốc gia...
Theo bà Galina Izotova - Phó Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Liên bang Nga, hoạt động kiểm toán của các SAI đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển trách nhiệm giải trình của các cơ quan Chính phủ. Về bản chất, kiểm toán là một chức năng quản lý với nhiệm vụ xác minh tính hợp pháp và chính xác của các quyết định được đưa ra, chỉ ra các sai sót và đề ra các giải pháp để khắc phục những sai sót đó.
Bà Galina Izotova khuyến nghị, cần có một không gian hợp tác giữa SAI và các đối tượng kiểm soát để tạo sự tương tác chặt chẽ hơn với các đơn vị được kiểm toán, từ đó nâng cao hiệu quả các quyết định quản lý của cơ quan hành chính công.
Trình bày tham luận với chủ đề "KTNN với vai trò là công cụ nhằm đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia", Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ đã nêu rõ ưu tiên của Việt Nam trong phát triển quốc gia cũng như vai trò của KTNN trong thực hiện các ưu tiên phát triển quốc gia.
Trong những năm qua, KTNN Việt Nam đã tập trung lựa chọn và triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Các chủ đề kiểm toán đều là các vấn đề “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế, xã hội, được Quốc hội, Chính phủ, người dân quan tâm như kiểm toán công tác quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản; kiểm toán môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; kiểm toán việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, để có thể triển khai, thực hiện kiểm toán các ưu tiên phát triển quốc gia một cách có hiệu quả và thực sự trở thành công cụ hữu hiệu nhằm đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia, KTNN Việt Nam cần hiện thực hóa các kế hoạch, định hướng bằng nhiều hành động cụ thể như: Xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, triển khai kiểm toán công tác chuẩn bị trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ, nhằm đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực đối với các nỗ lực của Chính phủ trong việc áp dụng các mục tiêu phát triển bền vững vào bối cảnh của Việt Nam, cũng như duy trì, đảm bảo các nguồn lực, năng lực cần thiết và thiết lập một cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030...
Tại Phiên họp đặc biệt, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cũng chia sẻ với các SAI kinh nghiệm của KTNN Việt Nam trong việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá việc thực hiện các ưu tiên phát triển quốc gia. Đồng thời, trao đổi, làm rõ những đóng góp của KTNN cho các nhiệm vụ ưu tiên phát triển quốc gia về phát triển kinh tế xanh, chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo ông Doãn Anh Thơ, kiểm toán môi trường (KTMT) là một trong những nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
"KTNN Việt Nam luôn đổi mới cách thức tổ chức KTMT, ưu tiên tổ chức các cuộc kiểm toán với phạm vi toàn Ngành, hạn chế các cuộc kiểm toán đơn lẻ, phạm vi hẹp, chỉ giới hạn ở một đơn vị thực hiện nhằm đánh giá chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, KTNN Việt Nam luôn tập trung tăng cường năng lực về KTMT; tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực KTMT cũng như tăng cường công khai kết quả KTMT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý; cung cấp các thông tin tác động đến xã hội để các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc đề phòng, ngăn ngừa, hạn chế những tồn tại thiếu sót, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường./.