Đánh giá toàn diện, đầy đủ “bức tranh” nợ đọng xây dựng cơ bản

Tài chính - Ngày đăng : 15:34, 08/06/2024

(BKTO) - Dẫn số liệu từ báo cáo của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, đầy đủ bức tranh nợ đọng xây dựng cơ bản trình Quốc hội để tránh tái diện tình trạng này.

Sáng 07/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN).

070620240857-z5515027111478_95d035dbe26bc16cad00084832f6d14d.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Kiểm toán nhà nước phát hiện hơn 4 nghìn tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản

Nhấn mạnh một số hạn chế đã kéo dài được nêu trong báo cáo quyết toán NSNN hàng năm nhưng chưa có phương án giải quyết hiệu quả, Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, qua các báo cho thấy, còn những số liệu chưa trùng khớp với nhau, đặc biệt là về nợ xây dựng cơ bản.

Nhấn mạnh nội dung này đã được đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ 5 năm 2023 về quyết toán NSNN năm 2021, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị cần đánh giá thực trạng một cách toàn diện, đầy đủ nhất về “bức tranh” nợ xây dựng cơ bản.

Qua theo dõi, đại biểu nhận thấy, hiện nay số nợ xây dựng cơ bản chưa có xu hướng giảm và còn xuất hiện số nợ mới. “Chúng ta không chỉ tồn tại nợ xây dựng cơ bản từ ngày 01/01/2015 trở về trước mà theo Luật Đầu tư đã nghiêm cấm vì đây là hành vi vi phạm. Trong các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết 91 năm 2023 về phê chuẩn quyết toán NSNN yêu cầu Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đánh giá đầy đủ, toàn diện, đúng thực trạng về tình hình nợ xây dựng cơ bản”- đại biểu nói.

070620240832-z5514958730907_1290d9d2836ba4e13d0c6c2e641b7e68.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, riêng năm 2022, theo Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN của Kiểm toán nhà nước đã phát hiện thêm hơn 4 nghìn tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản. Qua phần trả lời trao đổi với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nêu rõ, sẽ có đánh giá và kiên quyết thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Nhấn mạnh “nếu không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới”, đại biểu đề nghị cần phải hạn chế ảnh hưởng tối đa đến các doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư công một cách chân chính và trao gửi niềm tin thực hiện các dự án đầu tư công, vay vốn ngân hàng; phải kịp thời, khẩn trương thanh toán khi có khối lượng hoàn thành.

Đánh giá cao Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước trong thời gian qua đã thúc đẩy việc thanh toán các khối lượng hoàn thành song đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, trách nhiệm các chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng với các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác này. Điều này có trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ còn thiếu kiên quyết, còn nể nang trong vấn đề phân bổ vốn đầu xây dựng cơ bản, đầu tư công.

Qua giám sát cùng Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu cho rằng, không phải khoản nào cũng thuộc trách nhiệm của địa phương, có khoản là thuộc trách nhiệm của Trung ương. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nội dung này với Quốc hội, bởi nếu không làm rõ thì sẽ vẫn tái diễn tình trạng này.

Sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) đánh giá, năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện dự toán NSNN. Trong đó, thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán 28,8%, thu từ các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt và vượt dự toán, cân đối ngân sách chi thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách.

070620240823-z5514939971468_ee70a0d4a7c219849bbe38cc6b4f863b.jpg
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng chỉ rõ một số bất cập. Trong đó, số liệu báo cáo dự toán NSNN năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 của Chính Phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách; đặc biệt số quyết toán chi NSNN giảm 407.317 tỷ đồng, số bội chi NSNN giảm 49.317 tỷ đồng, giảm nhiều so với dự toán.

Theo đại biểu, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán NSNN, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán NSNN các năm sau. “Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về NSNN và các cơ quan đơn vị liên quan, hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước thực chất hơn” - đại biểu Lan đề nghị.

Nữ đại biểu cũng quan tâm đến một số khoản chi ngân sách đạt thấp so với dự toán; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số Bộ, ngành, địa phương đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao; số chuyển nguồn sang năm sau rất lớn; quyết toán chi NSNN năm 2022 bằng 86,7% so với dự toán…

Đáng chú ý, nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương có nhu cầu rất lớn nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 37,7% dự toán, có địa phương đạt dưới 10%. Thực hiện kế hoạch vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, một số chính sách, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là chính sách đầu tư phát triển y tế, lao động phải chuyển nguồn sang năm 2023, năm 2024.

“Qua đó cho thấy, việc sử dụng NSNN có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách” - đại biểu đánh giá.

Nguyên nhân của hạn chế trong sử dụng NSNN chủ yếu do lập dự toán chi ngân sách không sát với thực tế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chuẩn bị dự toán đầu tư, lập kế hoạch vốn, giao vốn chậm. Việc ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện của một số chính sách nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập; cơ chế, chính sách về tài chính có nhiều vướng mắc, chậm sửa đổi; công tác tổ chức thực hiện có nơi còn trì trệ, còn tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa quyết tâm để thực hiện hiệu quả…

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan

Đại biểu đề nghị, những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán NSNN cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 và có giải pháp để khắc phục.

Bên cạnh đó, một số hạn chế kéo dài nhiều năm cần được chỉ rõ nguyên nhân trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; đồng thời giao nhiệm vụ cho cơ quan cụ thể, trong đó có một cơ quan chủ trì đầu mối để thực hiện, một người chịu trách nhiệm chính để tránh việc thực hiện cơ chế phối hợp chung không hiệu quả.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, quy định phù hợp để rút ngắn quy trình, thời gian lập, thẩm định quyết toán NSNN, kịp thời luật hóa các cơ chế đặc thù về tài chính, tháo gỡ những vướng mắc trong chi NSNN; cho phép địa phương sử dụng ngân sách địa phương chi cho nhiệm vụ chi thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương để giảm áp lực cho ngân sách trung ương.

Đ. KHOA