Nông nghiệp ngược dòng chung, đạt kết quả giải ngân cao

Đầu tư - Ngày đăng : 21:30, 10/06/2024

(BKTO) - Trong khi nhiều Bộ, ngành giảm điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) lại tăng điểm mạnh ở kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm, với tỷ lệ chung đạt 41,8% so với kế hoạch năm 2024. Dù vậy, lãnh đạo Bộ NNPTNT và các đơn vị cũng tỏ ra thận trọng trước những thách thức trong thực hiện kế hoạch giải ngân vốn.
ho-ban-mong-25-164331_361.jpg
Bộ NNPTNT thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ, khi đã giải ngân 4.154,5 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch năm. Ảnh TL

Giải ngân đạt gần 42% kế hoạch được giao

Đến 31/5/2024, các Bộ, ngành trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2024 chi tiết trên 634,6 nghìn tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước thanh toán trên 148,2 nghìn tỷ đồng, đạt 22,34% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2023 (22,22%).

Tuy nhiên, cả nước còn tới 32 Bộ, ngành và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư dưới mức trung bình của cả nước, 04 Bộ, ngành chưa thực hiện giải ngân... 

Nhiều Bộ, ngành có kết quả giải ngân vốn đạt thấp và giảm so với cùng kỳ năm ngoái như Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 287,7 tỷ đồng, giảm 1,1%; Bộ Y tế đạt 247,4 tỷ đồng, giảm 1,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 193,3 tỷ đồng, giảm 34,8 %. Thậm chí, một trong những Bộ hiện có nhiều dự án trọng điểm quốc gia, với số vốn đầu tư công rất lớn như Bộ Giao thông Vận tải cũng giảm 19,1%.

Bộ NNPTNT đang tiếp tục triển khai đầu tư các hồ chứa để đảm bảo dự trữ nguồn nước lớn, vừa, nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo luật ngân sách của địa phương. Đồng thời, Bộ tiếp tục đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan

Trong bối cảnh kết quả giải ngân đầu tư công của cả nước còn thấp, Bộ NNPTNT thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ, khi đã giải ngân 4.154,5 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch năm, trong số đó, dự án vốn đầu tư trong nước giải ngân được 47%; dự án vốn vay ODA được gần 14%.

Đánh giá về kết quả này, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực bứt phá của ngành nông nghiệp, trong bối cảnh toàn ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thời tiết, tự nhiên, gây tác động lớn đến mùa vụ sản xuất nhưng vẫn tập trung vào các dự án trọng điểm để sớm hoàn thành, phục vụ hoạt động sản xuất. 

"Những kinh nghiệm về cách thức tổ chức triển khai, cũng như tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp cần được lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, dự án khác, vốn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này" - một chuyên gia thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết. 

ho-ban-mong-5-164328_670.jpg
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đang được gấp rút triển khai để sẵn sàng về đích năm 2025. Ảnh: Hoàng Nam

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) Nguyễn Văn Việt, để đạt được kết quả giải ngân cao như trên, lãnh đạo Bộ thường xuyên theo dõi tình hình để có chỉ đạo kịp thời, sát sao trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho từng dự án; giao trách nhiệm cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ trong quá trình thực hiện.

Đối với các gói thầu, Bộ đã thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; 100% các gói thầu xây lắp và tư vấn của Bộ đều được triển khai trên mạng đấu thầu quốc gia.

Cục Quản lý xây dựng công trình

Thông tin cụ thể đến Báo Kiểm toán, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) Nguyễn Hải Thanh cho biết, đơn vị đã tập trung tối đa để đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm khởi công dự án đã phê duyệt; triển khai giải phóng mặt bằng ngay khi dự án đầu tư được phê duyệt. 

Trong quá trình triển khai các dự án, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng ngay từ đầu, nhất là khâu chuẩn bị kỹ thuật dự án, lường trước các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đảm bảo hạn chế tối đa phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Nhận diện rào cản để kịp thời tháo gỡ

Dự báo trong thời gian tới, những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện giải ngân vốn của ngành nông nghiệp còn phức tạp. Do đó, lãnh đạo Bộ NNPTNT lưu ý các đơn vị tập trung bám sát để có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu giải ngân đã đề ra. 

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Nguyễn Hoài Nam, năm 2024, ngành NNPTNT có 289 dự án, dự án thành phần, trong số đó có 164 dự án đã khởi công; 80 dự án đã phê duyệt (chưa khởi công); 31 dự án đang hoàn thiện chờ phê duyệt và 14 dự án tạm dừng.

Trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị vẫn gặp phải nhiều thách thức. Đơn cử, các thủ tục về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mất nhiều thời gian, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên; một số địa phương, chỉ tiêu về diện tích sử dụng đất cho công trình chưa cập nhật đầy đủ và kịp thời vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Năm 2024, nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024 của Bộ là 9.935.410 triệu đồng (vốn trong nước là 8.601.270 triệu đồng, vốn nước ngoài là 1.334.140 triệu đồng)

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài do việc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân; quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cần tuân thủ các quy định của pháp luật nhưng vẫn phải hài hòa lợi ích cộng đồng, người dân mới nhận được sự đồng thuận.

Hiện, Bộ NNPTNT đang tích cực phối hợp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn liên quan trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án như thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng hay việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương còn chậm.

dsc_5736.jpg
Hệ thống cống đập Ba Lai được xây dựng tại cửa sông Ba Lai, tỉnh Bến Tre khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp ngăn mặn từ biển. Ảnh: N.Lộc

Cùng với những thách thức trong triển khai dự án, vấn đề thiếu vốn trong giai đoạn điều kiện thi công thuận lợi cũng là khó khăn mà ngành nông nghiệp đang gặp phải. Theo ông Nguyễn Văn Việt, ngay từ đầu năm, Bộ NNPTNT đã có Văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 của Bộ.

Bộ NNPTNT đề xuất bổ sung thêm 5.500 tỷ đồng kế hoạch vốn trong nước hoặc ứng trước kế hoạch vốn trong nước năm 2025. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đối với một số dự án do chưa cân đối được nguồn vốn kế hoạch năm theo tiến độ.

Với nguồn vốn đề xuất bổ sung thêm là 5.500 tỷ đồng, Bộ NNPTNT cho biết Bộ mong muốn sớm được bố trí vốn sớm. Bởi, nếu nguồn vốn này đến quý III/2024 mới được phê duyệt thì Bộ rất khó có thể giải ngân được hết trong những tháng còn lại của năm 2024,

“Vì đặc thù các dự án của ngành nông nghiệp hầu hết là các công trình thủy lợi, việc thi công phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mùa vụ, đặc biệt là mùa mưa bão, thiên tai đang đến gần” - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

N.LỘC