Nhớ mãi cuộc kiểm toán hợp tác năm ấy

Emagazine - Ngày đăng : 22:34, 10/06/2024

(BKTO) - Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công có lẽ là một trong số rất nhiều cuộc kiểm toán đáng nhớ trong hành trình 30 năm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Một cuộc kiểm toán với những hành trình thấm đượm bao gian nan, vất vả; những hành trình góp phần nâng tầm hợp tác, khẳng định vai trò, vị thế của KTNN Việt Nam trong cộng đồng ASOSAI...

Kỳ vọng từ cuộc kiểm toán

Triển khai cuộc kiểm toán này, các kiểm toán viên nhà nước bằng trí tuệ, trách nhiệm đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công đã và đang phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân trong lưu vực.

mekongriverfishing-1824.jpeg

Sông Mê Công có chiều dài 4.909 km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc. Khi chảy vào Việt Nam, sông được chia thành 2 nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu; từ đó tiếp tục chia ra nhiều nhánh nhỏ đổ ra biển Đông theo chín cửa, tạo nên một vùng đồng bằng trù phú. Cái tên sông Cửu Long cũng từ đây mà có. Xung quanh chuyện dòng Mê Công khi hạ thủy về đất Việt còn lắm tích kể...

Trong hệ thống sông Mê Công trên lãnh thổ Việt Nam, hệ thống sông thuộc đồng bằng sông Cửu Long được biết đến và chú ý nhiều nhất vì sự đặc biệt trù phú và giàu có về tiềm năng nông nghiệp, thủy sản, giao thông… và là nơi sinh kế của khoảng 20 triệu người dân.

Tại đây, dòng Mê Công mang lại 70% sản lượng cả nước. Cũng từ dòng Mê Công, nhà vườn cây trái tại đây nhờ thế đóng góp 60% sản lượng trái cây của cả nước. Nơi đây chiếm đến 56% sản lượng lúa gạo của cả nước. Xuất khẩu nông sản chủ lực cũng từ đây mà ra, chiếm 73,34% kim ngạch của cả nước.

Nói thế để thấy, dòng đại trường giang ấy quan trọng đối với người dân nơi đây đến nhường nào. Kỳ vỹ là vậy, nhưng dòng Mê Công mang đủ thứ "bệnh" từ tác nhân do con người mang lại đến tác động của thiên nhiên, nhất là "căn bệnh" toàn cầu mang tên Biến đổi khí hậu.

sat-lo-sua08-6-2024-21h25-sua.png
3(3).jpg
5.jpg
4.jpg

Tôi vẫn đau đáu với hình ảnh năm ấy khi theo chân Đoàn kiểm toán, quốc lộ 91 (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang) to đẹp là thế, phút chốc thành mồi cho “hà bá”. Sau một hai đợt lũ, triều cường, cả đoạn quốc lộ dài hàng km bị cuốn phăng. Nước xói tận tim đường. Trẻ mất đường đến trường, nhà thì chông chênh. Dòng sông từng mang lại sinh kế cho cộng đồng nơi đây bỗng chốc cuốn phăng bao nếp nhà, đẩy bao người đến cảnh tha hương...

Những giá trị mà dòng Mê Công từng mang lại cho mảnh đất này đứng trước nguy cơ bị "cuốn trôi".   Vậy nên, bằng bất cứ giá nào cũng phải cứu lấy dòng sông, cứu lấy những người đang, sẽ nương nhờ dòng sông - Nguyễn Thị Nguyệt Anh - thành viên nữ duy nhất của Đoàn kiểm toán - chia sẻ với chúng tôi. 

Vẫn bằng lối nhập đề ngắn gọn mà "chất lừ", Trưởng đoàn Đinh Văn Dũng cho biết: Tuyên bố Hà Nội - văn kiện chính thức quan trọng của Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 năm 2018 đã đặt yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. KTNN Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 luôn trăn trở: Làm sao để cùng với các SAI có nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Kỳ vọng "cứu" dòng Mê Công cũng được bắt nguồn từ đó. 

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc gìn giữ, bảo vệ nguồn nước sông Mê Công đối với sự phát triển của khu vực,  với vai trò Chủ tịch ASOSAI, KTNN Việt Nam đã đề xuất triển khai cuộc kiểm toán hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả quả lý nguồn nước sông Mê Công một cách bền vững, hài hòa, công bằng giữa các quốc gia trong lực vực. 

Sáng kiến của KTNN Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong ASOSAI. Từ đây, KTNN đã cùng với các SAI thuộc các quốc gia láng giềng chung dòng Mê Công là Thái Lan, Myanmar lên “dây cót”, quyết tâm hoàn thành cuộc "đại phẫu" sông Mê Công qua địa bàn 3 nước. Trong đó, Đoàn kiểm toán của KTNN  tập trung nguồn lực tốt nhất để kiểm toán từ ngày 03/3 đến 29/4/2021 tại 4 Bộ, ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam - nơi chúng tôi có cơ duyên đặt chân đến đây.

231220_hop.jpg

Trò chuyện với chúng tôi ngày ấy,  Trưởng đoàn Đinh Văn Dũng với mái tóc bổ luống đậm chất nghệ sĩ đã "ví von": Cuộc kiểm toán như một hội đồng y khoa được lập để chẩn đoán và đưa ra giải pháp với mong muốn "trị bệnh" cho dòng Mê Công.

Hành trình dãi dầu nắng gió

 Tôi vẫn nhớ hành trình cùng Đoàn kiểm toán năm ấy.  Trên những cung đường thấm đượm bao gian nan, vất vả, nhiều câu chuyện về Ngành, về nghề được chia sẻ.  Trưởng đoàn Đinh Văn Dũng nhớ lại khoảng thời gian chuẩn bị cho cuộc kiểm toán, nhìn vào lịch trình ken đặc, với những lộ trình dài dằng dặc, vắt từ nóc nhà Đông Dương đến mũi Cà Mau, rồi thì biết điều kiện khắc nghiệt của vùng biên giới Tây Nam Bộ, dân kiểm toán dù “dày gió dạn sương” lắm cũng thoáng chút e ngại...

Thế mà lạ lắm, nhiều kiểm toán viên thi nhau đăng ký, phải “chọi” qua rất nhiều tiêu chí để được chọn vào Đoàn. Nòng cốt tham gia Đoàn là KTNN chuyên ngành III, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, nơi có hẳn một phòng kiểm toán môi trường. 

...

Chuẩn bị sẵn hành trang, Đoàn kiểm toán chốt ngày, chia làm hai hướng tiến, một hướng Tây Nguyên, một hướng sông Cửu Long. Cuộc hành trình đến miền sông nước của chúng tôi được khơi nguồn như thế!

dsc_6068.jpg

Trời tháng Tư, vùng biên giới Tây Nam nắng gay nắng gắt. Chẳng cứ xứ này, cả nước cũng đang trong đợt nắng nóng kỷ lục. Kỷ lục nọ xô đổ kỷ lục kia, mỗi năm lại lập một kỷ lục mới. Cái nóng như thiêu đốt, nhưng các thành viên trong Đoàn vẫn phải mang khẩu trang phòng Covid đến phát ngộp.

Lịch trình công việc được lên sẵn. Sáng ghé vùng biên An Phú (tỉnh An Giang); xế chiều, Đoàn đã dạo qua cửa khẩu quốc tế Thường Phước, trạm tài nguyên nước Sở Thượng (tỉnh Đồng Tháp). Sớm mai, Đoàn khảo sát, ghi chép ở cống đập Ba Lai (tỉnh Bến Tre), rồi từ đó qua phà Bình Tân - Cửa Đại sang tỉnh Tiền Giang. Xế trưa, người ta đã thấy đoàn người đo đạc kênh mương dẫn nước ở khu vực Kiểng Phước - xã biên giới thuộc Tiền Giang… Rồi phải khi lỡ đường, đến bữa, chẳng xá nơi chốn, Đoàn có gì ăn nấy…

dsc_5050.jpg

Nhớ bữa đó, trên đường rời xã vùng biên Khánh An trở ra, nắng lên quá đỉnh đầu mà mênh mông chỉ có sông nước. Những dòng sông, con kênh chẳng còn khoảng cách giữa đôi bờ đê quanh co, khúc khuỷu, mọi thứ ngập chìm trong làn nước chở nặng phù sa từ thượng nguồn đổ về. Chỉ còn vài ngọn cỏ vượt nước, nhú lên rung rinh trong nắng gió. Mà lạ quá, mới tháng Tư đã có nước về!

Cả đoàn ai nấy đều đói, mệt, thậm chí cả say nắng. Theo lệnh Trưởng đoàn, tất cả tấp vào một quán ven đường. Quán nhỏ nằm chơ vơ giữa cánh đồng, mặt trước là con đường liên tỉnh chạy qua, kế bên là con kênh nhỏ. Âu cũng là cơ may, vì đường vào làng gần nhất cũng còn đến ngót dăm chục cây số. Đến nơi mà kiếm được cái bỏ bụng thì cũng quá chiều.

a7.jpg

Bữa ăn lúc lỡ độ đường  với mấy món đặc trưng của miền sông nước được bày ra: cá linh non, bông điên điển nấu canh chua, rau muống đồng bóp xổi, dăm con cá sông ăn với thốt nốt,...

Sau bữa ăn lỡ độ đường, Trưởng đoàn Đinh Văn Dũng động viên mấy anh em ngả lưng ít phút cho hồi sức.

mien-tay-1.jpg
song-nuoc-2(1).png

 Tranh thủ thời gian, Kiểm toán viên Tô Tuấn Anh kiếm được cái võng, móc tạm bên hai cái cột sát mép kênh định đánh một giấc. Lục bình, bông súng ma nở rộ, trải ra như tấm thảm, đung đưa sát dưới chân người.

Lim dim mắt bên không gian có phần thơ mộng, nhưng những làn gió ngược mang theo hơi nóng từ con đường khô khốc đã thổi bay biến suy nghĩ mộng mơ. Đến cả làn nước mát lành từ con kênh nội đồng bữa ấy cũng như hóa cái lò hơi, cứ hầm hập. Chỉ ngồi mà mồ hôi túa ra như tắm. Thở thôi còn khó nhọc…

Với tay lôi cuốn nhật ký ghi chép về trạm thủy văn Khánh An buổi sáng, Tuấn Anh hứng giọng cất lên đôi câu: “Đời kiểm toán viên sương gió phong phần/ Bén duyên con số, gian truân chẳng nề” khiến mấy cái đầu đang chăm chăm vào màn hình điện thoại phải dừng lại, ngoái nhìn. Tưởng kiểm toán viên chỉ biết đến những con số, hồ sơ, mẫu biểu, ai ngờ đâu cũng văn thơ  lai láng. Như “gãi đúng chỗ ngứa”, Tuấn Anh tự hào:  Ngành em nhiều thơ, ca lắm, mà rất nhiều kiểm toán viên có tâm hồn thi sĩ. Rồi anh ngân một đoạn trong bài Hành khúc kiểm toán viên “Kiểm toán trên mặt trận chẳng tiếng súng tiếng bom chiến đấu/ Ngày đêm với muôn ngàn con số/ Sự thật là đây đâu dối trá lọc lừa/ Chẳng quản gian nan trên trận tuyến âm thầm”…

am-tham-2-copy.png
dsc_5994.jpg
am-tham3.jpg
dsc_5252-copy.jpg
dsc_5311.jpg

Nét đẹp Kiểm toán viên nhà nước là đây, trong gian nan, vất vả vẫn lạc quan. 

Chẳng thế mà sáng nay, dưới cái nắng nóng đổ lửa vùng biên viễn miền Tây Nam Bộ, nơi cách nước bạn Campuchia chỉ mép nước, các kiểm toán viên vẫn miệt mài theo dõi dòng chảy, đo đạc các thông số của một trạm thủy văn và một trạm quan trắc. Chính thời tiết khắc nghiệt ấy phần nào cho thấy sự ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến cuộc sống - vấn đề mà cuộc kiểm toán cần làm rõ…

Trông đoàn khách ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, vị chủ quán như tỏ vẻ ái ngại vì không thể giúp lữ khách có được trải nghiệm tốt hơn. Nghe bảo xứ này giờ lạ lắm, mùa nước lúc sớm, lúc muộn, chẳng theo quy luật. Dạo rồi có hộ tận dụng nước nổi để nuôi bè, nhưng lũ đến bất ngờ, cá theo ra sông hết, nghe đâu mất trắng cả ngót dăm chục triệu đồng. Muốn thuận thiên cũng khó!

Nói rồi chị hướng ánh nhìn qua dòng kênh, xa xa chỉ lấp loáng ảo ảnh do ánh nắng và hơi nước bốc lên tạo thành. Cánh đồng lúc này rợp sắc vàng tươi của bông điên điển. Một màu vàng rực sáng khắp chân trời mênh mông. Đâu đâu cũng thấy nước. “Với màu điên điển say mê/ Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân” - nữ chủ quán cất đôi câu trong bài Bông điên điển nổi tiếng của nhạc sỹ Hà Phương bằng chất giọng Nam Bộ.

Thấy cậu thanh niên đưa tay với mấy bông màu trắng sát dòng kênh, nữ chủ quán bảo, đó là cây cà na, một “vệ binh” giữ đất cho vùng này. Hỏi ra mới hay, ở đây sạt lở ghê lắm. Không riêng gì ở đây, vùng Cửu Long, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt như ô bàn cờ, đều vậy. Nhờ những hàng cà na mọc xanh um dọc mép sông, thân rễ bao bọc lấy nhau, bám đất mà đất bớt bị sạt lở.

Con gió chiều thoảng nhẹ, nhưng khí trời vẫn oi bức kì lạ đến khi đoàn khởi hành…

Nhưng thách thức đối với Đoàn kiểm toán đâu chỉ dừng ở đó…

o-do.png

Nhiều nơi, cán bộ được giao lưu giữ hồ sơ quản lý nguồn nước cũng ngỡ ngàng khi được đề nghị cung cấp thông tin, số liệu phục vụ cuộc kiểm toán. Có người còn thật thà: trạm quan trắc nước sông lâu ngày không kiểm tra, nên quên. Các con số cứ nhảy múa loạn xạ theo trạng thái biến đổi nghịch mùa của dòng chảy. Thậm chí, có nơi còn kiếm cớ để không phải cung cấp tài liệu cho Đoàn. 

Chưa kể, kiểm toán môi trường vẫn là bài toán khó với các cơ quan kiểm toán, không riêng gì KTNN Việt Nam…

Rất nhiều điều trong suốt dọc đường kiểm toán đã được các thành viên chia sẻ trong Đoàn, lưu vào Nhật ký kiểm toán. Nhờ số hóa mà công việc đó nay được giản tiện hơn rất nhiều. Chỉ một chiếc máy tính được bảo mật, toàn bộ phát hiện kiểm toán được đưa lên điện tử, truyền về trung tâm.

Chuyến đi ấy, chúng tôi còn chứng kiến bao điều. Những cảnh xếp hàng dài giữa đỉnh nắng để chờ lấy nước sạch; ống bơm như vòi bạch tuộc tua tủa khắp con kênh nội đồng để hút vào bể chứa của gia đình… Qua vài công đoạn lọc, nguồn nước đó sẽ được dùng cho sinh hoạt. Đó là câu chuyện tại xã biên giới Kiểng Phước, tỉnh Tiền Giang. Không chỉ Kiểng Phước, hầu hết bà con nơi đây đều chịu cảnh “khát” nước ngọt.

lay-nuoc.png

Cũng chính trên hành trình ấy, Đoàn kiểm toán đã thu thập thêm những thông tin rất đáng chú ý. Tại vùng này, tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại đến khoảng 509.804 hécta diện tích cây trồng, 486 nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; là thủ phạm khiến hơn 1,5 triệu hécta đất bị suy thoái. Có 2.158 vụ sạt lở, thiệt hại ước tính cả nghìn tỷ đồng. Rồi còn nhiều thứ bệnh khác đang tồn tích tại đây...

Chung quy cũng vì cái mặn. Người dân than rằng, trước, người ta biết khi nào mặn đến mà phòng. Mấy năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn cứ liên tục, không theo quy luật gì cả - một cán bộ xã vừa nói, vừa đưa tay quệt ngang những giọt mồ hôi đang lăn dài trên khuôn mặt rám nắng, ánh mắt đầy chua xót.

Còn nhiều lắm những câu chuyện muốn kể...

Hành trình của Đoàn kiểm toán tại miền Cửu Long khép lại đúng thời hạn. Không phụ sự kỳ vọng, cuộc kiểm toán đã thành công ngoài mong đợi. Nói như Trưởng đoàn Đinh Văn Dũng: Kết quả này là sự cố gắng nỗ lực của toàn Ngành, với quyết tâm chính trị cao nhất, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, lãnh đạo, sự quan tâm hỗ trợ của các đơn vị và sự vào cuộc trách nhiệm của Đoàn kiểm toán, từng kiểm toán viên.

Nhiều đánh giá, kiến nghị từ cuộc kiểm toán trở thành căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng thay đổi cách thức quản lý, điều hành không chỉ trong phạm vi vùng lãnh thổ mà còn liên quốc gia. 

2...jpg

Ngân hàng Thế giới khi nghe đến cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công do KTNN Việt Nam khởi xướng  đã lập tức ủng hộ, tham gia hỗ trợ kỹ thuật, với kỳ vọng cuộc kiểm toán thành công sẽ đưa đến những hành động quyết liệt hơn vì tương lai của hệ sinh thái toàn cầu.

Còn đây là tiếng nói của tổ chức kiểm toán phía bên kia bán cầu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán sông Mê Công: “Chúng tôi đánh giá cao trước quyết tâm của 3 SAI Việt Nam - Thái Lan - Myanmar, nhất là vai trò của Việt Nam khi khởi xướng cuộc kiểm toán hợp tác ngay trong thời điểm đại dịch Covid với muôn trùng thách thức”.

Chứng kiến nỗ lực của Đoàn kiểm toán và kết quả qua từng con số mới thấy, những đánh giá ấy không có vẻ là ngoại giao.

Cuộc kiểm toán khép lại, nhưng không dừng lại.

Hiện, các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai thực hiện theo các kiến nghị kiểm toán. Không chỉ là xử lý tài chính, những kiến nghị về quản lý, chính sách đối với nguồn nước sông Mê Công được xem là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện; đồng thời nhằm cụ thể hóa việc thực hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững.

kiem-toan-vien.png

Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công có lẽ là một trong số rất nhiều cuộc kiểm toán đáng nhớ trong hành trình 30 năm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân của KTNN. Những thành tựu trong suốt hành trình không mỏi đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, minh bạch và hội nhập của quốc gia; giúp bảo vệ sự liêm chính, giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Đây sẽ luôn là lý tưởng, mục tiêu KTNN theo đuổi và cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực. Và trong hành trình ấy,  Hành khúc Kiểm toán viên tiếp tục ngân vang với niềm tin, quyết tâm giữ vững, phát huy giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng” để xây dựng cơ quan KTNN ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại: “Kiểm toán Nhà nước vững bước ta đi trên khắp miền đất nước/ Vì một ngày mai, vì Tổ quốc mạnh giàu”!

Cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” được thực hiện từ ngày 03/3 đến 29/4/2021 tại 4 Bộ, ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam. Với những kết quả, giá trị và đóng góp to lớn mang lại, Đoàn kiểm toán do KTNN chuyên ngành III chủ trì đã được Tổng Kiểm toán nhà nước khen thưởng đột xuất năm 2021.

khen-thuong-dsc_8524-1-.jpg

Thực Hiện: Nguyễn Lộc - Anh Tuấn

Nguyễn Lộc - Anh Tuấn