IMF kêu gọi Mỹ giảm gánh nặng tài chính

Kinh tế - Ngày đăng : 12:58, 11/06/2024

(BKTO) - Theo Phó Tổng Giám đốc IMF, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi để kiểm soát chi tiêu công và tăng thuế, qua đó giảm bớt gánh nặng nợ công đang gia tăng của quốc gia này.
no-cong.jpg
Nợ Chính phủ Mỹ đã tăng gần 50% kể từ đầu đại dịch COVID-19 - Ảnh minh họa

Nợ Chính phủ tăng mạnh

Ngày 8/6, Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath đã kêu gọi Mỹ giảm bớt gánh nặng tài chính đang ngày càng gia tăng của nước này.

Theo Phó Tổng Giám đốc IMF, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mang lại cho Mỹ đủ cơ sở để kiểm soát chi tiêu và tăng thuế.

Nợ Chính phủ Mỹ đã tăng gần 50% kể từ đầu đại dịch COVID-19, làm dấy lên quan ngại cho cả Phố Wall và chính phủ nước này. Hiện khoản nợ của chính phủ liên bang lên tới 34.500 tỷ USD, nhiều hơn khoảng 11.000 tỷ USD so với tháng 3/2020.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã công bố những số liệu rất đáng quan ngại. Cơ quan giám sát này ước tính nợ do người dân nắm giữ, hiện tổng cộng là 27.400 tỷ USD và không bao gồm nợ chính phủ, sẽ tăng từ mức tương đương 99% GDP hiện tại lên 116% GDP trong thập kỷ tới. Theo CBO, đây sẽ là “con số lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của quốc gia”.

Thâm hụt ngân sách gia tăng đã đẩy nhanh nợ, và CBO dự kiến điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. CBO dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2024 ở mức 1.600 tỷ USD, con số này đã lên tới 855 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 10/2023-4/2024, và sẽ tăng lên 2.600 tỷ USD trong năm 2034. Tỷ lệ thâm hụt trên GDP sẽ tăng từ 5,6% trong năm nay lên 6,1% trong 10 năm.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã làm phức tạp thêm tình hình nợ. Bắt đầu từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất 11 lần, tổng cộng 5,25 điểm phần trăm, chính sách thắt chặt tiền tệ tương ứng với sự gia tăng mạnh của lợi suất trái phiếu chính phủ.

Các báo cáo mới đây cho thấy kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm lại, thêm bằng chứng về việc nhu cầu đang yếu đi, cho phép Fed có thể hạ lãi suất. Hoạt động xây dựng mới nhà ở và hoạt động chế tạo tại Mỹ đều ở mức thấp hơn dự kiến. Theo các báo cáo trước đó, doanh số bán lẻ giảm mạnh và lạm phát lần đầu tiên giảm trong 6 tháng.

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp đình trệ trong tháng 4/2024. Chế tạo, lĩnh vực chiếm 75% tổng sản lượng công nghiệp, gặp khó khăn lớn hơn, do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu không đồng đều.

Báo cáo của ADP ngày 5/6 cho hay, tăng trưởng việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ chậm lại trong tháng 5/2024, do hoạt động sản xuất giảm. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang “nguội” lại.

Triển vọng Fed cắt giảm lãi suất vẫn còn mờ mịt

fed-afp.jpg
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Ảnh sưu tầm

Áp lực của lãi suất cao đang ngày càng đè nặng lên nền kinh tế, tuy nhiên, triển vọng về việc Fed có thể sớm giảm lãi suất có thể sẽ khó xảy ra tại cuộc họp kéo dài từ ngày 11-12/6 tới đây. Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất song có thể ra tín hiệu giảm số lần điều chỉnh lãi suất mà cơ quan này đã đặt ra trong năm nay.

Tiến trình chống lạm phát bị đình trệ và thị trường lao động mạnh mẽ đã khiến nhiều nhà phân tích dự đoán rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng Chín.

Việc bắt đầu cắt giảm vào tháng Chín có thể sẽ làm tăng khoảng cách giữa Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nơi đã bắt đầu nới lỏng lãi suất chính sách tiền tệ vào tuần trước.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Wells Fargo cho hay các số liệu được công bố kể từ cuộc họp trước cho thấy rủi ro lạm phát tái tăng tốc do hoạt động kinh tế mạnh mẽ đã giảm đi phần nào. Tuy nhiên, họ cũng chia sẻ nhận định chung rằng FOMC sẽ giữ nguyên phạm vi mục tiêu đối với lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5% khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 12/6.

Theo dự kiến, Fed sẽ công bố quyết định lãi suất vào chiều 12/6 và cũng sẽ cập nhật dự báo kinh tế từ tháng Ba.

Hầu hết các nhà phân tích đều kỳ vọng dữ liệu kể từ tháng 3/2024 sẽ khiến 19 thành viên FOMC giảm số lần cắt giảm mà họ mong đợi trong năm nay, đưa con số trung bình từ ba xuống còn hai lần.

Trong một báo cáo công bố hôm 7/6, các nhà kinh tế của Bank of America nhận định tại cuộc họp tháng Sáu, Fed dự kiến điều chỉnh triển vọng theo hướng tăng trưởng chậm hơn và lạm phát ổn định hơn. Khi đó, Fed dự kiến sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay và bắt đầu hành động vào tháng Chín. Ngân hàng này đồng thời cho biết thêm rằng FOMC có thể sẽ cần xem thêm bằng chứng về tình trạng giảm phát trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần khẳng định rằng Fed "phụ thuộc vào dữ liệu" và sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính trị.

Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ tài chính CME Group, các nhà giao dịch hiện nhận định Fed hầu như không có cơ hội cắt giảm lãi suất trước tháng Chín.

Trong những ngày gần đây, giới giao dịch cũng đã giảm mạnh kỳ vọng về đợt cắt giảm tháng Chín. Tính đến ngày 7/6, thị trường đặt cược Fed có xác suất khoảng 50% sẽ không bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trước tháng 11.

Điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với cuối năm ngoái, khi thị trường tài chính dự đoán Fed sẽ có tới sáu lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 với lần đầu tiên là vào tháng Ba.

Với việc Fed gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tuần tới, các nhà phân tích sẽ xem xét kỹ lưỡng cuộc họp báo của Chủ tịch Powell sau đó để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào về thời điểm đợt cắt giảm đầu tiên có thể diễn ra.

Nhưng theo nhà kinh tế trưởng Ryan Sweet của công ty tư vấn Oxford Economics, với các số liệu vẫn cho thấy một bức tranh kinh tế khó đoán định, người đứng đầu Fed khó có thể gây ra biến động quá lớn trong tuần này.

Nam Sơn