Phải nghiêm để tránh lệch lạc trong thi đua yêu nước

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 05:01, 13/06/2024

(BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh, cần phải thực hiện nghiêm các quy định, kỷ luật để phòng, tránh những sai sót, lệch lạc có thể xảy ra.
2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV. Ảnh: ST

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở khi tổ chức thi đua phải bảo đảm an toàn lao động. Ngày 24/3/1956, tại Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua Công nghiệp toàn quốc 1956, Người phân tích rất cụ thể: Kỷ luật lao động là do giai cấp công nhân tự đặt ra, được Đảng, Nhà nước đúc lại, vì vậy, muốn thi đua đạt kết quả tốt, thì nếu có kỷ luật lao động mọi người phải tuân theo, phải giữ đúng kỷ luật lao động. Người khẳng định: Kỷ luật lao động mà không nghiêm dẫn đến thi đua sẽ lệch lạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra, không chỉ có kỷ luật lao động mà các nội dung, quy định khác trong thi đua, như: Kế hoạch, chỉ tiêu, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, khen thưởng… cũng phải được thực hiện nghiêm túc.

Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức chặt chẽ, chu đáo; trong đó, vấn đề giữ nghiêm các quy định, kỷ luật được chú trọng. Chấp hành nghiêm các quy định, kỷ luật lao động, với an toàn lao động được đặt lên hàng đầu, là một trong những tiêu chí quan trọng trong thi đua, nhất là khi đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Thực tế cho thấy: Trong nhiều cuộc thi đua ở nhiều cơ quan, đơn vị, nếu để xảy ra mất an toàn, vi phạm kỷ luật, chấp hành không nghiêm các quy định thì sẽ không được khen thưởng, thậm chí tùy theo mức độ nặng, nhẹ mà còn bị xử lý, kỷ luật.

Muốn chấp hành nghiêm, không để xảy ra lệch lạc trong thi đua yêu nước, chúng ta cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiên quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”. Từ mục đích của thi đua đặt ra yêu cầu phải an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Chúng ta phải thực hiện nghiêm các công việc hằng ngày và tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đó chính là nền tảng của thi đua yêu nước. Ngày 29/3/1955, khi viết bài “Một công nhân gương mẫu” đăng trên Báo Nhân Dân, Hồ Chí Minh viết rất cụ thể: Muốn phong trào thi đua có được kết quả tốt, thì đầu óc cần phải suy nghĩ tìm tòi, cũng như tay chân phải cần cù nhanh nhẹn. Do vậy, trong quá trình thi đua, đòi hỏi cần có các quy định, quy chế cụ thể và mọi tập thể, cá nhân thi đua đều phải nghiêm túc chấp hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý nhắc nhở phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động, cũng như mất an toàn về con người hoặc xuất hiện những sai sót, lệch lạc trong thi đua yêu nước. Người nhắc nhở: Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề, thi đua phải tránh lãng phí. Báo Nhân Dân số 2024, ngày 29/02/1952, đăng bài “Cần và Kiệm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người biểu dương tấm gương cần và kiệm của đốc công một xưởng giấy và nêu rõ: Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công. Người căn dặn: Nếu chỉ kiệm mà không cần, thì sản xuất được ít, không đủ dùng; nhưng nếu chỉ cần mà không kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy, kết quả là không lại hoàn không. Từ đó, Người yêu cầu phải có cả cần và kiệm, như tay phải và tay trái, hai tay không thể thiếu một tay nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng con người trong thi đua, phải có nhiều chiến sĩ thi đua và chiến sĩ thi đua phải luôn là những con người mẫu mực, không kể công, không mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Người cũng nhắc nhở không làm hư, làm mất cán bộ trong thi đua, cho nên phải chống tham ô lãng phí “như cảnh giác chống địch phá hoại”.

Hiện nay, có một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng mà chúng ta phải chú ý là cần kiên quyết, kiên trì phòng, chống các quan điểm, hành vi sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang tìm mọi cách xuyên tạc, phá hoại phong trào thi đua yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất chú trọng tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp tích cực, thiết thực, hiệu quả. Một vấn đề được thường xuyên quan tâm thực hiện là phải tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, bảo đảm an toàn trong tiến hành thi đua. Do đó, luôn luôn có hàng loạt biện pháp được kịp thời đưa ra và yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Tháng Công nhân (tháng 5 hằng năm) được tổ chức tốt, trong đó tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là về Luật Lao động, Luật Công đoàn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động. Cùng với đó, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động luôn đạt thành tích tốt, góp phần vào thắng lợi các phong trào thi đua của công nhân lao động.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần yêu cầu phải đổi mới toàn diện, có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để thực hiện và kiểm tra, giám sát; huy động được sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân; giữ cho thi đua thật bổ ích, thiết thực, tránh sa vào hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm đến công tác khen thưởng trong thi đua, nhắc nhở cần nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, công tâm, trong sáng. Đồng thời, quan tâm khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động sản xuất; tránh khen thưởng trung bình, thiếu chính xác, thiếu kịp thời làm ảnh hưởng tiêu cực đến ý nghĩa, tác dụng giáo dục, nêu gương./.

CÔNG MINH