Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Địa phương - Ngày đăng : 08:10, 13/06/2024

(BKTO) - Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1 đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc…
ban-chi-dao.jpg
Tỉnh cao Bằng họp Ban Chỉ đạo bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Ảnh sưu tầm

Theo thông tin tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đến nay, Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. 

Cơ cấu nguồn vốn sau điều chỉnh là 14.252 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước tham gia là 9.800 tỷ đồng, tăng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Trong đó, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 5.720 tỷ đồng, chiếm 68,76% tổng mức đầu tư; vốn nhà đầu tư và các nguồn vốn khác 4.451,92 tỷ đồng, chiếm 31,24%.

Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp dự án có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chấp thuận bổ sung 4 mỏ đất, trong đó ưu tiên cấp phép 2 mỏ có trong quy hoạch; bổ sung và quy hoạch 3 mỏ để kịp thời cung cấp cho dự án; đẩy nhanh thủ tục nâng công suất, cấp quyền khai thác đối với các mỏ thương mại trong thời gian tới. Có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét chấp thuận bổ sung 18 vị trí đổ thải…

Công tác triển khai thi công, hiện doanh nghiệp dự án bắt đầu triển khai thi công đường công vụ dọc tuyến và chiếm lĩnh mặt bằng tại các vị trí đã giao; huy động 18 mũi thi công, gồm: 11 mũi thi công đường, 2 mũi thi công hầm và 5 mũi thi công cầu, với tổng số 199 máy móc, thiết bị; 467 kỹ sư, công nhân thi công trên toàn tuyến. Đồng thời, tiếp tục chuẩn bị các công việc triển khai giai đoạn 2 của Dự án sau năm 2025.

Trong quá trình triển khai, Dự án còn gặp một số khó khăn vướng mắc như: Thiếu chỉ tiêu đất giao thông cho dự án; vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng các đoạn chỉnh tuyến khoảng 12 km; các huyện Thạch An, Quảng Hòa (Cao Bằng), Văn Lãng, Tràng Định (Lạng Sơn) chưa hoàn thành dự án khu tái định cư, chưa phê duyệt phương án, dự toán đền bù…, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB); công tác thiết kế kỹ thuật còn chậm so với tiến độ GPMB.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; rà soát lại trữ lượng của các mỏ vật liệu; bổ sung mỏ vật liệu, bãi đổ thải phục vụ dự án. Doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tư vấn đẩy nhanh tiến độ công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật trình cơ quan chuyên môn thẩm định; hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật điều chỉnh cục bộ các vị trí trên tuyến để kịp thời phối hợp trong công tác GPMB.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đề nghị: Các cấp, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc, sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư giai đoạn 1. UBND 2 huyện Thạch An, Quảng Hòa sớm phê duyệt phương án, dự toán đề bù GPMB để tổ chức chi trả cho người dân, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho doanh nghiệp dự án thi công đúng tiến độ.

Các ngành liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục thực hiện khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/2003/QH15; phối hợp nghiên cứu di chuyển đường điện trong phạm vi GPMB. Tích cực làm việc với tỉnh Lạng Sơn về điều chỉnh hướng tuyến, GPMB, chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

Nhất trí kế hoạch vốn cho dự án năm 2024 theo Quyết định số 559/QĐ-UBND của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (lần 1) cho dự án. Chỉ đạo các nhà thầu tập trung đẩy mạnh thi công các hạng mục công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư giai đoạn 2 của dự án./.

Đ.TRANG