Đẩy mạnh mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 12:01, 27/05/2024

(BKTO) - Sáng 27/5, thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm nhiều đối tượng người lao động vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.
202405270831552689_z5479449155068_d11fae669433e1d92780e0f3d8623e4d.jpg
Quang cảnh Phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: P. THẮNG

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 28, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Chính phủ dự kiến, với quy định trên, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Kinh nghiệm quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều thống nhất giải pháp, để gia tăng số người tham gia BHXH là phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp: Quy định mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và NSNN hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định BHXH bắt buộc và 40% đến từ quy định BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ từ NSNN.

Quan tâm đến quy định này, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cho biết, khoản 5 Điều 7 quy định: “Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.

202405270928148936_z5479522639813_abafbb21036e9d047851c9c3fed4c715.jpg
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam phát biểu thảo luận. Ảnh: P. THẮNG

Đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương. Theo đó, ngân sách nhà nước (NSNN) cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện tùy vào khả năng cân đối ngân sách của từng thời kỳ. “Vấn đề này, pháp luật về bảo hiểm y tế cũng đã có giải pháp từ những năm trước và đạt được tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế như kỳ vọng” - đại biểu dẫn chứng.

Quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác, song có nội dung thể hiện về việc làm, tiền công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Quy định này nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về HĐLĐ. Tuy nhiên, xét về hình thức, HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản đối với HĐLĐ từ 1 tháng trở lên. Vì vậy, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động thì phải có sự điều chỉnh kịp thời để thực hiện các nghĩa vụ về BHXH và công tác kiểm tra, giám sát mới thực hiện tốt.

“Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sử dụng cách này để trốn tránh nghĩa vụ. Nếu phát hiện ra HĐLĐ này thì cần phải điều chỉnh về hình thức và nội dung, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên tham gia BHXH” - đại biểu Yến nói.

202405270928150186_z5479628691999_e6547b5afc4ed9108ceb00810a55b44d.jpg
Đại biểu Trần Kim Yến phát biểu thảo luận. Ảnh: P. THẮNG

Nữ đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá bổ sung đối tượng tham gia BHXH là lao động không trọn thời gian (lao động công nghệ). “Nếu chiếu theo Bộ luật Lao động, thì đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, một bên là góp công nghệ, bên góp sức. Dù là công nghệ hay gì thì có quản lý về thời gian, doanh thu, trả lương… nên cần bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”- đại biểu phân tích.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng thành viên là cá nhân, các tổ hợp tác, tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc, để tương đồng giữa 2 đối tượng mới được bổ sung trong Dự thảo là chủ hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh hoặc người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Các đối tượng này có cả vai trò là người lao động trong nền kinh tế, vừa có nhu cầu, vừa có điều kiện tham gia BHXH. Họ cũng muốn được hưởng các lợi ích hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội như những người lao động khác trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc bổ sung này giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, đồng thời cũng phù hợp với quan điểm của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể./.

NGUYÊN AN