Khắc phục tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 14:22, 13/06/2024
Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc khắc phục tình trạng né việc, sợ sai, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước. Trong đó, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14- KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành...
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với hệ thống các văn bản, Quy định 148 sẽ giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Quy định 148 trao thẩm quyền cho người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy công việc là biện pháp trước mắt, kịp thời, thay vì phải làm theo quy trình, thủ tục nhiều bước. Khi đó, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý cán bộ cấp dưới, quản lý cơ quan, tổ chức mà mình có vai trò đứng đầu cũng tăng lên. Với những trường hợp cán bộ có hành vi trái phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận hoặc vi phạm nghiêm trọng, bị kỷ luật, khởi tố..., thì việc tạm đình chỉ có ý nghĩa không để vi phạm kéo dài khi phát hiện có dấu hiệu, kịp thời ngăn chặn vi phạm lan rộng hơn.
Các căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết: Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân; cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ; cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý...
Trích Điều 4 Quy định 148
Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ được quy định như sau: Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phải gia hạn thì thời gian gia hạn tạm đình chỉ công tác tối đa không quá 15 ngày làm việc. Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng; thanh tra; kiểm tra; kiểm toán; thi hành án. Quyết định tạm đình chỉ công tác đương nhiên hết hiệu lực thi hành khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác.
Điều 10 Quy định 148
Trên thực tế hiện nay, sau nhiều vụ việc vi phạm tham nhũng bị đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh theo quy định, một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm; trì hoãn giải quyết, để tồn đọng công việc... dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 148 bổ sung thêm các trường hợp đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết là vô cùng cần thiết, kịp thời. Quy định 148 vừa nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý các hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm tại đơn vị, duy trì kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, để không vì một cá nhân mà cả một cơ quan bị chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ.
Thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Trao đổi với báo giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, Quy định 148 nêu rất rõ về phân cấp, giao nhiệm vụ cho các cấp lãnh đạo trong việc thực hiện tạm đình chỉ công tác cán bộ trong những trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Trong thực tế có những trường hợp cán bộ vi phạm, thái độ làm việc không đúng, không muốn làm việc… sẽ gây hại cho công việc chung thì cần tạm đình chỉ công tác để xử lý. Việc xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ nếu thực hiện theo quy trình có thể sẽ rất lâu, kéo dài, nên việc tạm đình chỉ công tác, tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ được giao để tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm là cần thiết.
“Tôi nghĩ rằng, cùng với quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thì với quy định này, những trường hợp sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm sẽ bị tạm đình chỉ công tác. Với những người dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đảng có quy định để khuyến khích, bảo vệ. Những người không dám làm, sợ sai sẽ bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý trách nhiệm. Những quy định này là rất kịp thời để khắc phục tình trạng đang diễn ra hiện nay, thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định.
Nhiều chuyên gia nhận định, sau Quy định số 142-QĐ/TW ban hành cuối tháng 4 vừa rồi về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu được lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp phó giúp việc cho mình, thì với Quy định 148 lần này, hệ thống quy định về công tác cán bộ đã tiến thêm một bước nữa trong việc đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu khi được lựa chọn cán bộ giúp việc và phải chịu trách nhiệm đến cùng về sự lựa chọn đó.
Được quyền lựa chọn, giới thiệu, người đứng đầu ắt phải có những thẩm quyền cần thiết trên cơ sở quy định; trong đó có quyền "tạm đình chỉ" công việc của cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết, hoặc trong trường hợp phát hiện họ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ làm hỏng công việc chung. Và cùng với Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021của Bộ Chính trị, thì Quy định 148 là sự nhất quán quan điểm của Đảng về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của đất nước.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính nghiêm minh của Quy định 148, cần bổ sung các quy định pháp luật về việc xử lý kỷ luật đối với những trường hợp cán bộ, công chức bị tạm đình chỉ công tác do cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao... Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ, người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo chuyển hồ sơ để Hội đồng kỷ luật tiến hành xem xét, thi hành hình thức kỷ luật theo đúng quy định./.