Ngăn chặn lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công

Kiểm toán - Ngày đăng : 14:23, 13/06/2024

(BKTO) - Không công khai tài sản theo quy định; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê đất không đúng quy định; hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao, chậm được sắp xếp; nhiều trường hợp chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định… là những bất cập, tồn tại đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua công tác kiểm toán. Với “muôn hình vạn trạng” những sai sót được chỉ ra cho thấy, công tác quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.
sua-_8.jpg
KTNN chỉ ra những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: H.THÀNH

Quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất còn bất cập

Thời gian qua, với sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, hàng loạt vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là với các cơ sở nhà, đất đã được KTNN chỉ ra. Nổi cộm là tình trạng không công khai tài sản theo quy định; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao, chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định…

Đơn cử, năm 2023, qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công, KTNN chỉ rõ, tại một số Bộ, ngành, địa phương, nhiều đơn vị sự nghiệp còn cho thuê tài sản, liên doanh liên kết nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Điển hình như: Bộ Công Thương có tới 10 đơn vị vi phạm; Bộ Khoa học và Công nghệ có 2 cơ sở nhà, đất thực hiện hợp tác, liên doanh liên kết hoặc cho thuê chưa lập đề án hoặc đã lập đề án nhưng chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã ký kết hợp đồng tiếp tục triển khai trên cơ sở biên bản thỏa thuận từ trước…

Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều cơ quan, địa phương chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất (tại thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính còn 426 cơ sở nhà, đất chưa lập phương án sắp xếp, trong đó có 164 cơ sở nhà, đất chưa kiểm tra lập biên bản kiểm tra hiện trạng nhà, đất; Bộ Giao thông vận tải có 16 cơ sở chưa lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP) hoặc chưa được phê duyệt phương án sắp xếp (Bộ Giáo dục và Đào tạo còn 62 cơ sở; Bộ Giao thông vận tải còn 188 cơ sở; Bộ Khoa học và Công nghệ còn 25 cơ sở); chưa thực hiện việc chuyển từ giao đất sang thuê đất để kê khai và nộp tiền thuê đất; chưa kê khai để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; quản lý, sử dụng một số cơ sở nhà đất chưa phù hợp.

Trong khi đó, nhiều công trình trụ sở, nhà đất công hiện không được sử dụng, gây lãng phí tài sản công. Mới đây, theo báo cáo của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2019-2021, có 359 trụ sở cấp huyện phải sắp xếp. Số được sử dụng tại các đơn vị mới thành lập là 250 và dôi dư 109 trụ sở. Tính đến tháng 5/2024, các địa phương đã chuyển đổi công năng 55/109; thanh lý 2 trụ sở đã được bán đấu giá, còn 52 trụ sở (gần 48%). Ở cấp xã, 370/755 trụ sở đã được chuyển đổi công năng; 88/755 trụ sở được thanh lý, bán đấu giá và chưa xử lý 297 trụ sở (gần 40%).

Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh tăng cường quản lý chặt chẽ, cần có phương án sớm xử lý, khắc phục nhanh chóng tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại và xử lý nhà đất công trong phạm vi cả nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang)

Cùng với những phát hiện của KTNN, đánh giá về công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2022, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội cũng có chỉ ra: Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí; việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Sửa quy định, có ngăn được thất thoát, lãng phí?

Với hàng loạt bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công xảy ra trong thời gian dài, dẫn đến hệ quả là lãng phí nguồn lực, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát nguồn thu ngân sách. Đánh giá về những bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công được KTNN chỉ ra, chuyên gia, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là vấn đề không thể xem nhẹ. Dù các vi phạm ở nhiều dạng thức khác nhau, song điều đó cho thấy trách nhiệm trước tiên thuộc về các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, những tồn tại này chính là nguy cơ dẫn đến lãng phí, thất thoát…

Phản ánh lo lắng của cử tri về tình trạng sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ, dẫn đến nguy cơ tài sản để hoang, xuống cấp và lãng phí, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hộitỉnh Hòa Bình) chỉ ra, nguyên nhân là do quy trình thanh lý và bán đấu giá tài sản công còn phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. “Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thanh lý và bán đấu giá tài sản. Các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xử lý tài sản dôi dư, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương” - đại biểu đề xuất.

Đánh giá tình trạng nhiều trụ sở công không được sử dụng sau sắp xếp, Chính phủ cũng cho rằng, nguyên nhân là do quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa đầy đủ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc xác định giá đất khởi điểm bán đấu giá rất phức tạp do công năng, giá trị sử dụng, vị trí của trụ sở không phù hợp với mục đích kinh doanh, thương mại. Để khắc phục, Thủ tướng đã giao chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng sử dụng trụ sở công ở đơn vị hành chính và dự kiến sắp xếp. Các địa phương rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp sắp xếp, xử lý trụ sở.

Còn đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã xây dựng và đang tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành. Theo đó, sẽ giải quyết cơ bản vướng mắc của các đơn vị, như: Nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất, việc sử dụng vào mục đích phục vụ dịch vụ công và sử dụng tài sản phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết...

Cùng với việc nhận diện và khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật, từ thực tiễn kiểm toán cũng như đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, nhiều trường hợp vi phạm được xác định thuộc trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát định kỳ, chuyên đề và đột xuất trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công sao cho minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm./.

NHÓM PHÓNG VIÊN