Bài cuối: Hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa - Không thể bàn lùi!
Pháp luật - Ngày đăng : 14:25, 13/06/2024
Hợp tác công - tư: Lợi ích đủ đường
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong hợp tác với đơn vị công nghệ tư nhân để cho ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum vào năm 2020. Theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng, đây là dự án PPP nên ngay từ đầu, hai đơn vị đã phải cam kết rõ ràng về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên trong xây dựng, vận hành và khai thác ứng dụng. Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là đơn vị văn hóa hiếm hoi đã triển khai phương thức PPP. Tuy nhiên, việc hợp tác cũng diễn ra khá hạn chế. Bởi chưa có quy định pháp luật cụ thể về PPP trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong bảo tàng, nên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả hợp tác, song không vi phạm quy định. “Đó là quá trình như đi trên dây!”.
Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, khi nguồn lực Nhà nước có hạn, nguồn lực xã hội phải được xem là nguồn lực bổ sung cần thiết, phù hợp với bối cảnh mới. “Nếu được áp dụng cơ chế đầu tư PPP, ngành văn hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Dễ thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành văn hóa, như: Các trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật, nhà hát, nhà văn hóa, bảo tàng... đang rất cần có nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và vận hành các thiết chế này” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn cho biết.
GS,TS. Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, lợi ích mang lại từ PPP không đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản trị..., mà cao hơn là cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy giá trị di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững. Hay nói một cách đơn giản, Nhà nước cho cơ chế, đơn vị văn hóa có trình độ, chuyên môn và con người, khi kết hợp với tư nhân có vốn và sự nhạy bén trước thị trường sẽ giúp làm mới sản phẩm, đưa sản phẩm đến với công chúng thuận lợi hơn.
Khi “danh chưa chính, ngôn chưa thuận”…
Hình thức PPP trong lĩnh vực văn hóa đang được triển khai thời gian qua và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định về vấn đề này, đặc biệt là Luật PPP dẫn đến việc triển khai hợp tác gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, Luật PPP từ khi ra đời đã tạo ra sự phát triển đột phá trong nhiều lĩnh vực; trong đó có y tế, giáo dục, song lại thiếu lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, mới có TP. Hồ Chí Minh được thí điểm áp dụng đầu tư theo phương thức PPP với các dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa. Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Luật PPP không có lĩnh vực văn hóa vì tại thời điểm xây dựng luật, kết quả thực hiện của các công trình văn hóa đã đầu tư xây dựng trước đó chưa chứng minh được khả năng tạo nguồn thu, mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy đã đến lúc phải thay đổi nhìn nhận về vấn đề này để xem xét triển khai mô hình PPP trong lĩnh vực văn hóa.
Để huy động tốt nguồn lực, cũng như giải phóng sức sáng tạo của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, cần sớm bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP khi sửa đổi, bổ sung Luật PPP.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Vấn đề PPP trong huy động nguồn lực tại các đơn vị văn hóa cũng làm “nóng” nghị trường, khi các đại biểu cho ý kiến về các dự án luật. Cụ thể, Điều 89 Dự thảo Luật Di sản văn hóa quy định bổ sung một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được thực hiện theo phương thức PPP. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, quy định về PPP trong luật này là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật PPP bảo đảm phù hợp, thống nhất và khả thi. Nhấn mạnh tính cấp thiết phải tăng cường PPP trong lĩnh vực văn hóa khi đề cập đến Dự thảo Luật Thủ đô, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đề nghị “nên dành cơ chế này cho các đơn vị văn hóa thuộc các ngành, địa phương chứ không riêng gì Hà Nội”. Đến nay, dù còn nhiều ý kiến bàn về mức độ, cách thức hợp tác, song các ý kiến đều cho rằng, Nhà nước cần sớm có các quy định về PPP trong lĩnh vực văn hóa. Bởi, đây cũng chính là nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng ta về phát triển công nghiệp văn hóa.
Có thể nói, để thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật trên hành trình tự chủ, việc “cởi trói” cho các đơn vị là vô cùng cấp thiết. Trong đó, mô hình PPP cũng giúp khẳng định rõ vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nói như PGS,TS. Bùi Hoài Sơn: Khi triển khai PPP, Nhà nước không còn đóng vai trò quản lý trực tiếp, thay vào đó là kiến tạo chính sách, tạo môi trường minh bạch cho các chủ thể phát triển. Đây mới là điều các đơn vị cần, chứ không phải là trông chờ nguồn ngân sách và chịu cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp như trước đây./.