Sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 22:08, 14/06/2024
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, ngày 03/6/2017 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, Nghị quyết số 11-NQ/TW và Nghị quyết số 12-NQ/TW, mang ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các tỉnh thành ủy đã ban hành các chương trình hành động/kế hoạch thực hiện để triển khai các Nghị quyết nêu trên.
Triển khai sơ kết việc thực hiện các Nghị quyết này, Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được nhận được đầy đủ báo cáo của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh uỷ, thành ủy.
"Các báo cáo sơ kết của Ban cán sự đảng Bộ KHĐT về tình hình thực hiện 03 Nghị quyết đã cung cấp khá đầy đủ, toàn diện thông tin cho các tổ biên tập. Tuy nhiên, để có thêm các luận cứ phục vụ nhiệm vụ sơ kết, đề nghị Bộ KHĐT tiếp tục trao đổi để làm sâu sắc thêm một số vấn đề về thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 03 Nghị quyết này" - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.
Đại diện Bộ KHĐT báo cáo tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương cho biết, thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ KHĐT đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các Nghị quyết.
Bộ đã chủ trì tham mưu ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW với 80 nhiệm vụ cụ thể giao cho 18 bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/12/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tham mưu ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Đến nay, Bộ KHĐT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, báo cáo được giao tại các Chương trình hành động nói trên, góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa hầu hết các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết, cụ thể: Hoàn thiện thể chế phát triển tổng thể nền kinh tế; thể chế phát triển các thành phần kinh tế; thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với quốc phòng, an ninh...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi về tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các Nghị quyết số 10, 11 và 12-NQ/TW tại Bộ KHĐT. Trong đó, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, thu hút nhà đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư, quỹ phát triển hạ tầng, các mức hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ nắm giữ vốn của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công ích, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị, bổ sung quy định về cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh công tác hậu kiểm, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, phân cấp đối với đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án liên vùng…
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII trong thời gian tới, Bộ KHĐT kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Hoàn thiện thể chế nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ tư pháp cho doanh nghiệp; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng…
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý phát triển xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người; Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, đô thị lớn, ngành mũi nhọn, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án lớn mang tính liên vùng.
Đồng thời, bổ sung quan điểm phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương nhất quán, lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và cần thảo luận về việc xác định vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế...
Đánh giá cao sự chuẩn bị Ban cán sự đảng Bộ KHĐT cho buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận trong buổi làm việc sẽ được Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, tổng hợp, chắt lọc, đưa ra các đề xuất trình Bộ Chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về kinh tế trong giai đoạn tới, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045./.