Áp thuế giá trị gia tăng có làm tăng giá bán phân bón?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 15/06/2024

(BKTO) - Hiện vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh việc áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón liệu có làm tăng giá phân bón?

Quá nhiều bất cập sau gần 10 năm áp dụng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (gọi tắt là Luật thuế 71) quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015.

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho biết, sau gần 10 năm có hiệu lực, Luật Thuế thuế 71 đã xuất hiện nhiều bất cập. Cụ thể, đối với sản xuất, việc chuyển mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể.

Đối với việc cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, TS. Phùng Hà cũng cho rằng, khi áp dụng Luật 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguyên nhân là do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi không phải chịu chi phí thuế GTGT.

Đối với việc đầu tư các dự án mới về phân bón thế hệ mới, phân bón công nghệ cao: Nhìn chung các nhà máy phân bón nước ta, trừ một vài cơ sở mới đầu tư, nhìn chung công nghệ còn ở mức độ trung bình, chưa có nhiều các loại phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới, việc không dược khấu trừ thuế GTGT cho máy móc, thiết bị, xây lắp …. dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả cả dự án. Đây cũng là một trong các lý do “ngần ngại” đầu tư mới.

Đồng tình với quan điểm này, từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản Apromaco - đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón cho biết: Trước năm 2015, khi thuế suất GTGT đối với phân bón là 5% thì Công ty vẫn được khấu trừ thuế khi tiến hành các hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh toán chi phí… Tuy nhiên, sau khi Luật thuế 71 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 thì phân bón không phải là đối tượng chịu thuế GTGT, do đó, Công ty không được hoàn lại khoản chênh lệch thuế này nữa. Cũng theo thống kê, trong gần 10 năm qua, số tiến thuế GTGT không được khấu trừ của Apromaco khoảng 300 tỷ đồng.

Áp thuế giá trị gia tăng đối với phân bón - nhiều tác động tích cực

Để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi theo hướng đưa phân bón  vào diện chịu thuế 5%. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn băng khoăn, việc áp thuế GTGT có làm tăng giá thành phân bón?

z5538702508915_181262d7239caeaab350a0a42ae941f2.jpg
Các chuyên gia khẳng định, việc áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón về lâu dài sẽ đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt sẽ làm giảm giá thành phân bón, có lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Duyên

Theo các chuyên gia, giá bán phân bón trong nước bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Nếu Dự thảo Luật thuế GTGT được thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 và áp dụng từ năm 2025 thì dự báo thị trường phân bón bị ảnh hưởng trong quý IV/2024 do các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón sẽ tăng cường lượng nhập khẩu phân bón nhằm tránh nộp thuế GTGT.

Tuy nhiên, hiện với lượng dự trữ phân bón vào cuối năm 2024 ở mức cao nên khi phân bón được chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2025 với mức thuế suất 5%, giá phân bón tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ không tăng lên tương ứng 5% mà có thể phải điều chỉnh giảm khi tồn kho đang ở mức cao.

Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp trong nước được giảm chi phí thuế GTGT đầu vào, giảm giá thành dẫn tới có thể giảm giá phân bón nhằm cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bình ổn giá trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất.

Do đó, TS. Phùng Hà phân tích, nếu được Quốc hội thông qua điều chỉnh thuế suất thuế GTGT đối với phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT 5% không những giá phân bón không tăng mà còn có tác động tích cực trên nhiều khía cạnh:

Cụ thể, người dông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm.

Phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc phân bón chịu thuế suất 5% còn tác động tích cực đối với ngân sách nhà nước. TS. Phùng Hà phân tích, nếu áp dụng thuế GTGT với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.

Khi áp dụng thuế GTGT làm cho hiệu quả của doanh nghiệp trong nước được nâng cao do tăng cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Áp thuế 5% là hợp lý

Về mức áp thuế GTGT bao nhiêu là hợp lý, ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) - cho rằng: Đối với mặt hàng phân bón (và có thể là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi…) áp thuế 5% như trước đây là hợp lý.

z5538701397883_8c2833c8938a361185dbf79d7caeb2fd.jpg
Áp mức thuế 5% là hợp lý, giúp nâng cao sức cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước và lợi cho cả "3 nhà": Nhà nước, nhà sản xuất và người nông dân. Ảnh: Nguyễn Duyên

Phân tích cụ thể hơn, ông Phụng đưa ra con số cụ thể: Hiện trên thế giới chỉ áp thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Ông Phụng cho răng, sẽ có 3 thiệt thòi lớn nếu áp thuế 0% đối với mặt hàng phân bón.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước đã không thu được thuế, lại còn phải hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam, nếu áp thuế suất 0% thì ngân sách nhà nước phải hoàn thuế đầu vào cho họ, như vậy là chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ ba, nếu áp thuế 0% thì nông dân cũng không hạ được giá thành sản xuất vì không doanh nghiệp nào giảm giá bán nhờ được hoàn thuế, mà người ta bán theo giá thị trường.

Đồng quan điểm này, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính - cho biết, từ năm 2016, Hiệp Hội Phân bón Việt Nam cùng Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Thuế 71 bằng việc từ không đánh thuế VAT với vật tư sản xuất nông nghiệp sang mức thuế phù hợp.

Cũng theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, áp mức thuế 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chêch lệch giảm trừ ở VAT đầu vào ở mức 7 - 8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2 - 3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn.

Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế VAT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngân sách nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu.

Ông Thịnh cũng cho rằng, nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi ở mức từ 7 - 10 % thì sẽ không thể hiện được ưu đãi của Nhà nước với ngành này./.

Nguyễn Duyên