Củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước
Đối nội - Ngày đăng : 19:20, 15/11/2018
(BKTO) - Thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những chuyển biến và kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cùng với việc hoàn thiện thể chế về PCTN, cần nhận diện đầy đủ và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; tăng cường công khai, minh bạch; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán, thu hồi tài sản tham nhũng… để thực sự nâng cao hiệu quả công tác này.
Dẹp nạn “tham nhũng vặt”
Năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác PCTN, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử được tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi đã góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.
“Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và là Trưởng Ban Chỉ đạo nêu câu hỏi, băn khoăn lo lắng của cử tri là với tinh thần đấu tranh PCTN cao như hiện nay thời gian tới có được duy trì? Các đồng chí trong Ban chỉ đạo đều khẳng định tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong thời gian tới, rất “rực lửa” và tinh thần này còn duy trì. Khi người dân phấn khởi tin tưởng thì công tác PCTN sẽ lan toả sâu rộng. Người dân có lòng tin thì chúng ta có tất cả” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, công tác PCTN dù có nhiều chuyển biến tích cực song chủ yếu mới tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, DN trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. “Tham nhũng vặt” vẫn ngang nhiên tồn tại trong khi người dân và DN vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực. “Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân”- đại biểu Hòa bày tỏ quan điểm và đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên.
Đại biểu Trần Hồng Hà phát biểu thảo luận tại hội trường- Ảnh: quochoi.vn |
Khẳng định vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng
Nhìn nhận vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong công tác PCTN, đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) chỉ rõ: Việc thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng và hàng ngàn hécta đất là một kết quả không vui cho việc buông lỏng quản lý và để thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Nhưng đó cũng khẳng định tính cấp thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đẩy mạnh việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, siết lại kẽ hở trong quản lý.
Theo đại biểu Diến, báo cáo kết quả điều tra, thanh tra, kiểm toán là tài liệu quan trọng, làm cơ sở cho Quốc hội, các cơ quan dân cử, cơ quan công quyền xem xét, chất vấn, xử lý. Đánh giá cao thông tin kịp thời, đầy đủ tới công chúng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng và báo cáo kết luận thanh tra một số vụ án lớn, báo cáo của KTNN trước Quốc hội, đại biểu đề nghị cần công khai thông tin kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên, cử tri, đại biểu dân cử tiếp cận những thông tin về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tải ảnh Đại biểu Mai Sỹ Diến phát biểu thảo luận tại hội trường- Ảnh:quochoi.vn |
Quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản bị chiếm đoạt và gây thiệt hại. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do thiếu cơ chế ngăn chặn kịp thời dẫn đến tài sản tham nhũng bị tẩu tán. Do đó, cần sớm sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản và các biện pháp ngăn chặn.
Đồng thời, cần xem xét, bổ sung, áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp khẩn cấp tạm thời việc tẩu tán tài sản trong quy định của Luật KTNN và Luật Thanh tra. “Hành vi tham nhũng có thể được phát hiện qua hoạt động kiểm toán hoặc hoạt động thanh tra. Trên thực tế khi bị thanh tra hoặc kiểm toán đụng đến thì các đối tượng tham nhũng đã có đề phòng và khó tránh khỏi việc những đối tượng này tẩu tán tài sản tham nhũng. Do đó, việc quy định biện pháp này có thể giúp cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn một cách kịp thời phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án sau khi có kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán mà có dấu hiệu tham nhũng”- đại biểu Hoa nói.
Đ. KHOA