Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng
Pháp luật - Ngày đăng : 21:00, 17/06/2024
Chiều 17/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự thảo Luật gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Trong đó, kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 20 Dự thảo Luật quy định, Văn phòng Công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh là công chứng viên trở lên và không có thành viên góp vốn.
Về nội dung này, Báo cáo thẩm tra nêu 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định này. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định theo hướng mở rộng tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.
Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) tán thành loại ý kiến thứ hai và cho rằng, việc duy trì mô hình tổ chức của văn phòng công chứng với hai công chứng viên hợp danh sẽ khó bảo đảm việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa bàn; dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.
Để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị bổ sung quy định về loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như quy định của Luật hiện hành theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) cho rằng, quy định: "Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng” là không phù hợp với thực tế tồn tại và phát triển của xã hội nói chung, nghề công chứng nói riêng.
Đại biểu lo ngại, quy định này có thể tạo ra tiêu cực trong thi cử công chứng viên. “Nhiều người đi thi công chứng viên, xin bổ nhiệm công chứng viên không phải để đi hành nghề công chứng mà để cho thuê chứng nghề chỉ hành nghề công chứng để hợp danh (hợp danh ảo). Điều này vô tình đã tạo ra một nghề không phải đi làm mà vẫn có tiền” - đại biểu Huyền nói.
Cũng theo đại biểu, quy định này không phù hợp với thực tế bởi một số tổ chức hành nghề công chứng đối với vùng có quy mô dân số, số lượng giao dịch hợp đồng ít hoặc vùng địa bàn kinh tế khó khăn thì phí công chứng thu được chỉ đủ chi cho duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng với quy mô một công chứng viên và vài nhân viên nhưng lại phải gồng gánh thêm chi phí thuê thêm công chứng viên hợp danh, từ đó tạo áp lực tài chính không đáng có lên Công chứng viên là chủ đầu tư.
Tiền thuê công chứng trên thị trường hiện nay dao động từ 300 đến 500 triệu đồng/năm và người cho thuê bằng vừa không phải đi làm, vừa không phải chịu trách nhiệm mà thu nhập lại cao.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền
Mặt khác, hiện nay nguồn công chứng viên rất thiếu. Như tại tỉnh Yên Bái, trong 05 năm trở lại đây, tỉnh không bổ sung thêm được một công chứng viên nào. Tại một số huyện của tỉnh, mặc dù có nhu cầu thành lập văn phòng công chứng, nhưng không có nguồn công chứng viên nên không thể thành lập được văn phòng. Việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng ở cấp huyện, vùng sâu, xa không đáp ứng yêu cầu 2 công chứng viên trở lên dẫn đến người dân không được tiếp cận, sử dụng dịch vụ công chứng đồng thời có sự phân biệt giữa các tổ chức hành nghề công chứng vì Phòng Công chứng không qui định số lượng công chứng viên và Văn phòng thì quy định 2 công chứng viên trở lên.
Từ phân tích trên, đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định này theo hướng: Bỏ quy định điều kiện thành lập Văn phòng công chứng bắt buộc phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Thay vào đó, nên quy định: "Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh".
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu), Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định về loại hình doanh nghiệp tư nhân, trong đó chủ sở hữu là một cá nhân và cũng “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Đông cho rằng, Dự thảo Luật nên cho phép Văn phòng Công chứng được hoạt động theo cả loại hình công ty hợp danh và loại hình doanh nghiệp tư nhân.