Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng

Tài chính - Ngày đăng : 08:27, 18/06/2024

(BKTO) - Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp, cho thấy có dư địa để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Chiều 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

170620240226-a1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Thu hẹp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

202406171517372122_z5547119056503_8fe9aa9c49b8ca1b66f3600e2f0ca1c5.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này (bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (Luật Thủy sản đã thay tên gọi mới là tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển); lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa. Cụ thể: Bỏ 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ (thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa qua chế biến; đường, phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm rỉ đường, bã mía, bã bùn; hoạt động văn hóa, hoạt động triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim) và 2 loại hàng hóa (nhựa thông sơ chế; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học).

Cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất phù hợp

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

170620240227-a-10.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi quy định mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (theo quy định của Luật hiện hành) thành “dưới mức do Chính phủ quy định”. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Về việc bổ sung đối tượng áp dụng thuế suất 5%, Dự thảo Luật chuyển các loại hàng hóa, dịch vụ như phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.

Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức thuế suất phổ thông 10% hiện là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cho thấy, Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế GTGT, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.

Hiện, một số nước trong khu vực ASEAN đã và đang tăng thuế suất thuế GTGT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng “nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình. Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong Dự án Luật một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026-2030" - ông Lê Quang Mạnh nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra./.

Đ. KHOA