Xử lý tàu cá vi phạm, liệu cái khó có ló cái khôn?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:26, 18/06/2024

(BKTO) - Trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định), ngành thủy sản đang đứng trước những thách thức lớn khi chưa thể có giải pháp xử lý triệt để tàu cá vi phạm…
ki-1675420158.jpg
Cần có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh tình trạng tàu cá vi phạm, đánh bắt trái phép. Ảnh ST

Thiệt đơn, thiệt kép khi chưa gỡ được “thẻ vàng”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) – Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, thủy sản Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” từ tháng 10/2017, đến nay đã gần 7 năm nhưng vẫn chưa gỡ được. Hệ quả của tình trạng này khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp nhiều trở ngại.

Từ thực tiễn kinh doanh, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, việc EC áp “thẻ vàng” khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó khăn bởi sự kiểm tra ngặt nghèo khiến doanh nghiệp chậm trễ cung ứng hàng cho khách hàng, phát sinh chi phí. Càng khó khăn hơn khi sắp tới, thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng IUU. Hạ tầng cảng cá hạn chế cũng ngăn trở không nhỏ cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản...

Còn theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, “thẻ vàng” IUU là một trong những yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường tỷ đô EU. Do đó, nếu không gỡ được “thẻ vàng”, mà để “thẻ vàng” bị chuyển sang “thẻ đỏ”, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU cũng như nhiều thị trường tiềm năng khác. Bởi EU là thị trường có tác động chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ…

Triển khai thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Bộ NNPTNT đã tổ chức đoàn công tác làm việc với Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC tại Bỉ (tháng 4/2024) về kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC vào tháng 10/2023.

Theo Bộ NNPTNT, dự kiến EC sẽ sang Việt Nam vào khoảng tháng 9 năm nay để đánh giá về tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC. Từ nay đến khi đó, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện triệt để, quyết liệt các giải pháp để có thể tháo gỡ “thẻ vàng” hải sản. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU cho biết, EC tiếp tục ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC.

dsc_0106.jpg
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thiệt đơn, thiệt kép khi chưa gỡ được “thẻ vàng”... Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, EC cơ bản vẫn yêu cầu chúng ta tiếp tục tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị, trong đó, vấn đề quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá vẫn là vấn đề nổi cộm được EC đặc biệt lưu ý.

“EC đánh giá chúng ta đã đi đúng hướng. Trung ương rất tích cực, vào cuộc rất quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục theo khuyến nghị của EC” - Thứ trưởng Tiến cho biết.

Tại hội nghị hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về giám sát hành trình tàu cá (VMS) do Cục Thủy sản phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) cho biết, sau đợt thanh tra lần thứ 4, EC ghi nhận Việt Nam đạt tỷ lệ gần 100% tàu cá trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm mất kết nối hành trình tàu cá và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn phức tạp.

“Tình trạng mất kết nối theo quy định với số lượng lớn diễn ra thường xuyên nhưng kết quả xác minh, xử phạt còn rất hạn chế, dẫn đến không mang lại hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật” - ông Hùng đánh giá.

Đến nay, Việt Nam mới khởi tố xét xử một vụ việc vi phạm ở Kiên Giang, xử phạt theo quy định pháp luật hình sự, trong khi số vụ việc vi phạm còn lớn.

Xử lý triệt để vấn đề tàu cá vi phạm

Theo Bộ NNPTNT, việc tàu cá và ngư dân của nước ta vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ xử lý là một thách thức rất lớn đối với cả công tác quản lý tàu thuyền cũng như thực thi pháp luật thủy sản ở trên các vùng biển.

Đặc biệt gần đây xuất hiện một số những thủ đoạn, hành vi mang tính chất tinh vi hơn. Ví dụ như dùng tàu biển số giả hoặc dùng tàu cá không có biển số; chủ tàu tắt thiết bị giám sát hành trình để vượt ra khỏi ranh giới được phép khai thác trên biển của Việt Nam, sang quốc gia khác để đánh bắt hải sản bất hợp pháp.

Trước yêu cầu gỡ bỏ “thẻ vàng” là mệnh lệnh, là nhiệm vụ chính trị với các cấp, ngành, ngành nông nghiệp cùng với các cơ quan chức năng đang nỗ lực để tháo gỡ cho vấn đề này.

Từ thực tiễn công tác quản lý tại địa phương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh đã có 359 lượt tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên. Qua xác minh, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 10 trường hợp tàu mất kết nối VMS dài ngày khi đi đánh bắt với tổng số tiền 61 triệu đồng và 92 vụ vi phạm Luật Thủy sản với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. “Tình trạng tàu cá bị mất kết nối trên biển hàng ngày còn nhiều gây khó khăn trong việc kiểm soát, không biết tàu có đi khai thác trên biển hay không. Nhiều tàu di chuyển ngư trường tắt thiết bị VMS nhưng địa phương chưa nắm được tàu hiện đang ở đâu” – ông Cường cho biết.

Quyết tâm chống tàu cá vi phạm đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 49/CĐ-TTg về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về VMS.

Theo số liệu năm 2023, cả nước đã giảm ít nhất 60% số lượt tàu cũng như số người bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất lớn nhưng vẫn còn diễn ra một số vụ vi phạm, bị các nước xung quanh bắt giữ, xử lý.

Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT)

Theo Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng, nếu như trước đây, có địa phương thực hiện nghiêm nhưng cũng có địa phương không. Tuy nhiên, với Công điện số 49/CĐ-TTg, các địa phương có trách nhiệm triển khai đồng bộ, trong đó điểm nhấn đáng chú ý là nâng mức xử phạt với hành vi vi phạm. 

“Việc xử phạt tăng lên, đảm bảo tính răn đe thì các hành vi vi phạm sẽ giảm dần và đảm bảo việc quản lý tàu cá khi hoạt động khai thác trên biển” - ông Hùng cho biết.

Nhấn mạnh yêu cầu cần có sự phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, xử lý vi phạm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Dương Văn Cường cho biết, chúng ta cần tăng cường lực lượng cơ sở từ Công an, Biên phòng, Kiểm ngư, đến chính quyền của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Nam Bộ, tập trung ở Kiên Giang, Cà Mau… để nắm địa bàn, khoanh vùng đối tượng, khoanh vùng chủ tàu để vừa tuyên truyền, vừa răn đe nhằm ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

Về lâu dài, cần có giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật hiệu quả cho bà con ngư dân. “Để làm sao bà con ngư dân hiểu rằng, đây là một nghĩa vụ để chung tay với cả nước trong việc chống khai thác IUU, cũng như gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC” - ông Cường cho biết.

Cùng với việc giám sát tàu cá và chế tài xử lý tàu cá vi phạm, hiện Cục Thủy sản đã xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. Theo Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân, hệ thống này sẽ liên thông đồng bộ dữ liệu hoạt động của tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản từ khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản… đảm bảo kiểm soát được tính minh bạch, hợp pháp đối với các sản phẩm này.

dsc_0013.jpg
Cùng với việc xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, Bộ NNPTNT cũng đang triển khai Dự án Phát triển thủy sản bền vững nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh, hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu. Ảnh: N.Lộc

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng đang triển khai Dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Dự án nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh.

“Khi dự án được triển khai sẽ góp phần tăng cường hạ tầng của ngành thủy sản, trong đó có việc đầu tư cho đội tàu hiện đại, đúng tiêu chuẩn, cũng như hỗ trợ đáng kể cho người dân” - ông Luân cho biết. 

N.LỘC