Vụ Pháp chế: Khẳng định vai trò nòng cốt trong hoàn thiện pháp luật về Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán - Ngày đăng : 10:10, 20/06/2024
Ghi nhiều dấu ấn quan trọng
Vụ Pháp chế (tiền thân là Phòng Pháp chế - Thi đua - Khen thưởng thuộc Văn phòng KTNN) được thành lập theo Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ với nhân sự ban đầu chỉ có 5 công chức. Đến nay, với 4 phòng trực thuộc và 33 công chức, vai trò của Vụ Pháp chế ngày càng được nâng cao. Ngoài việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Pháp chế đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của KTNN, góp phần cụ thể hóa việc xây dựng trụ cột về khuôn khổ pháp lý trong Chiến lược phát triển KTNN.
Ngay khi vừa được thành lập, năm 2004, Vụ Pháp chế đã bắt tay vào công tác tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc tổ chức xây dựng Dự án Luật KTNN, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, Luật KTNN được xây dựng, trình Quốc hội ban hành, nhằm quy định một cách toàn diện, đầy đủ, phù hợp về tổ chức và hoạt động của KTNN; xác định rõ ràng, hợp lý hơn địa vị pháp lý của KTNN, tương xứng với nhiệm vụ mà KTNN đảm nhận.
Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Pháp chế đã chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự án Luật; đánh giá, dự báo tác động kinh tế - xã hội và dự kiến nguồn lực bảo đảm thi hành Luật sau khi ban hành và điều kiện bảo đảm cho việc soạn thảo Dự án Luật. Ngày 14/6/2005, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật KTNN và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Đây là sự kiện pháp lý hết sức quan trọng, làm thay đổi cơ bản địa vị pháp lý và vị thế của KTNN trong tiến trình đổi mới và xu thế hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.
Năm 2013, Vụ Pháp chế đã tham mưu lãnh đạo KTNN triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, đồng thời, đóng vai trò chủ đạo, phối hợp xây dựng “Đề án bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp”. Vụ đã được lãnh đạo KTNN giao chủ trì tổ chức 1 cuộc hội thảo quốc tế và nhiều hội thảo, tọa đàm trong nước về hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước trong hệ thống pháp luật Việt Nam; chủ trì phối hợp xây dựng hồ sơ của KTNN trình Quốc hội xem xét quy định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp. Kết quả, ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 118.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho lãnh đạo KTNN trong công tác xây dựng Luật KTNN năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019). Ngày 24/6/2015, Luật KTNN đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua và có hiệu lực ngày 01/01/2016, đã khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật KTNN năm 2005, nâng tầm địa vị pháp lý của KTNN tương xứng với vị trí, vai trò của Ngành.
Đến năm 2023, Vụ Pháp chế tiếp tục là đơn vị nòng cốt trong xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có hiệu lực thi hành ngày 01/5/2023. Việc ban hành Pháp lệnh góp phần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý hoạt động của KTNN, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.
Với những đóng góp trong công tác xây dựng pháp luật của KTNN, Vụ Pháp chế đã đón nhận nhiều danh hiệu cao quý:
- Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2012
- Cờ Thi đua của KTNN, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013
- Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước năm 2019
- Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước năm 2023 vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN”.
- Danh hiệu Tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các năm: 2012, 2013, 2014, 2019, 2023.
Nỗ lực đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống
Cùng với làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo KTNN từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ chia sẻ, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đơn vị là tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, tham mưu xây dựng các văn bản khác để hoàn thiện pháp luật về KTNN. Hằng năm, Vụ Pháp chế tham mưu cho lãnh đạo KTNN ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN; đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện. Đồng thời, tham gia trực tiếp soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Xác định tầm quan trọng của công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nhằm đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn hoạt động của Ngành, Vụ Pháp chế thường xuyên tham mưu, chủ trì tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các đơn vị trong và ngoài Ngành. Điển hình như năm 2023, Vụ đã tham mưu tổ chức 43 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc KTNN và các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương (14 hội nghị cho các Bộ, ngành địa phương, đơn vị được kiểm toán và 29 lớp cho các công chức trong toàn Ngành).
Các hội nghị đã tập trung tuyên truyền nội dung của các Luật, Pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có liên quan đến hoạt động kiểm toán như: Các Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự; Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản mới do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Thông qua công tác tuyên truyền đã kịp thời cập nhật các Luật mới, đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao cho công chức, viên chức và kiểm toán viên nhà nước.
Theo Vụ trưởng Hoàng Phú Thọ, để hoàn thành tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trước tiên, cần tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản khác có liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội; chú trọng đổi mới thường xuyên về nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật; quan tâm tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật./.