Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 10:13, 20/06/2024

(BKTO) - Hơn 2 năm thực hiện, quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (ĐTC) đã đẩy nhanh hơn công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn ĐTC đối với dự án hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, nên cần đánh giá các quy định này để điều chỉnh quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán cho phù hợp.
13.jpg
Cần rà soát các cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC. Ảnh minh họa

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quy định về vốn đầu tư công

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC (Nghị định 99), ngay sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán (Thông tư 96).

Các quy định này đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, cơ quan thẩm tra quyết toán và người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn ĐTC dự án hoàn thành, góp phần quản lý hiệu quả nguồn vốn ĐTC.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thời gian gần đây, một số cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung. Ông Nguyễn Công Điều - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Lắk - nêu ví dụ: Nghị định 99 quy định về phạm vi điều chỉnh việc quản lý, thanh toán vốn ĐTC bao gồm: Dự án ĐTC sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN); nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư có sử dụng vốn ĐTC; dự án ĐTC sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) dành để đầu tư và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, tại điểm 22, Điều 4 văn bản hợp nhất của Văn phòng Quốc hội (số 41/VBHN-VPQH ngày 27/12/2023) về Luật ĐTC thì vốn ĐTC chỉ bao gồm vốn NSNN, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, ĐVSNCL dành để đầu tư.

Trong khi đó, theo Luật Quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch là các hoạt động được thực hiện để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, điểm đ, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 (Nghị quyết 61) quy định: Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch sử dụng kinh phí thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được bố trí vốn. Như vậy, việc sử dụng vốn ĐTC và nguồn vốn thường xuyên cho nhiệm vụ quy hoạch chưa thống nhất giữa Nghị định 99 và Nghị quyết 61 của Quốc hội. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN nói chung và vốn ĐTC nói riêng.

Hơn nữa, Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ - Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024 - nêu rõ: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ĐTC năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, để chủ động rà soát cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 99 và Thông tư 96, các vướng mắc (nếu có) và đề xuất các giải pháp xử lý để Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công

Ông Nguyễn Công Điều cho biết thêm, là cơ quan thực hiện kiểm soát và thanh toán vốn ĐTC, trong quá trình thanh toán, quyết toán vốn ĐTC theo Nghị định 99, KBNN Đắk Lắk cũng đã nhận thấy một số vướng mắc. Đơn cử như, tại Nghị định 99, cơ quan KBNN thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn ĐTC nguồn NSNN và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước dành để đầu tư. Theo đó, hồ sơ kiểm soát, thanh toán vốn của dự án, tạm ứng vốn và thanh toán khối lượng hoàn thành được thực hiện theo quy định tại các Điều 9,10,11 của Nghị định 99. Đối với ĐVSNCL sẽ thực hiện kiểm soát thanh toán vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư của đơn vị mình. Tuy nhiên, tại Điều 25 Nghị định 99 quy định về quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn thì việc kiểm soát, thanh toán của các ĐVSNCL đều cùng thực hiện tại các Điều 9,10,11 của Nghị định 99.

Như vậy, theo quy định này, KBNN không chịu trách nhiệm kiểm soát chi hồ sơ đối với các khoản chi đầu tư của ĐVSNCL. ĐVSNCL tự chịu trách nhiệm kiểm soát, thanh toán các khoản chi đầu tư của đơn vị mình. Tuy nhiên về quy trình, thủ tục giao dịch, thanh toán lại áp dụng tương tự như quy định đối với cơ quan KBNN mà chưa có hướng dẫn cụ thể, tách bạch về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, điều này gây lúng túng, khó khăn cho việc phối hợp thực hiện giữa KBNN và ĐVSNCL.

Do đó, theo ông Nguyễn Công Điều, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống hóa các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong các quy định. Đồng thời, phân định trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các nguồn vốn trong ĐTC, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhằm tháo gỡ nút thắt trong tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Điều còn cho rằng, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 99, tại KBNN cấp tỉnh, khi chủ đầu tư đề nghị rút vốn tạm ứng từ tài khoản dự toán sang tài khoản tiền gửi (để chuyển về tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại KBNN cấp huyện) đã cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, khoản 5, Điều 9 Nghị định 99 cũng yêu cầu khi tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư rút vốn từ tài khoản tiền gửi tại KBNN cấp huyện cũng phải cung cấp hồ sơ pháp lý và thủ tục tương tự như tại KBNN cấp tỉnh. Như vậy, cùng một khoản chi, cùng một chủ đầu tư, song khi rút vốn (tạm ứng, thanh toán) lại phát sinh hai lần đã tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết./.

MINH ANH